Sửa Luật Đấu thầu: Làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa 'có chân' trong dự án lớn?

Luật Đấu thầu QUỐC HỘI
07:35 - 08/11/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được tham gia các gói thầu dưới 5 tỷ đồng. Vì vậy, đại biểu Quốc hội mong muốn có hành lang pháp lý thông qua Luật Đấu thấu để tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh tế chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp này.

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ) tại phiên thảo luận tổ về Luật Đấu thầu sửa đổi, chiều 7/11. Đại biểu đề xuất ý tưởng dành 30% dự án của các doanh nghiệp lớn trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không bị chiết khấu % như thực tế “doanh nghiệp trúng thầu rồi thuê lại các doanh nghiệp nhỏ làm” như hiện nay.

Với đề xuất của đại biểu Thân, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa là khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm hơn 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp hiện nay. Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương đối với khu vực kinh tế tư nhân, với đánh giá khu vực này đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bộ trưởng nhận định có nhiều chính sách sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, nhưng trên thực tế một số vẫn chưa sát với điều kiện cụ thể của tính chất doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện, tính cạnh tranh, sẵn sàng, năng lực của các doanh nghiệp này còn yếu, nếu không có cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn thì sẽ không phát huy được nguồn lực khu vực kinh tế tư nhân.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ có sửa Nghị định 82 về quản lý khu công nghiệp, đã đưa vào nội dung phải ủng hộ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là các khu công nghiệp phải trích ra 5% diện tích thương mại sau khi đã đầu tư hạ tầng để cho các doanh nghiệp thuê lại với mức giá thấp hơn khoảng 30% so với giá thị trường.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về ý tưởng của đại biểu Thân đưa quy định hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vào Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ trưởng nhận định chủ trương thì tốt nhưng thiết kế vào Luật thì khó.

Bộ trưởng cho biết sẽ lĩnh hội ý kiến này và đưa vào nghiên cứu xem có thể bổ sung theo vào Luật theo hướng nào để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các gói thầu lớn, giúp tạo công ăn việc làm, giúp doanh nghiệp “trưởng thành” hơn.

Thuốc và vật tư y tế là hàng hoá đặc biệt

Thảo luận tại tổ 15 cùng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đại biểu Nguyễn Văn Thân, các đại biểu khác cũng đưa ra nhiều góp ý về Luật Đấu thầu sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình) băn khoăn về quy định đấu thầu trong hoạt động của đơn vị công lập được giao tự chủ. Theo Nghị định 60, cán bộ công chức được góp vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị. Vậy phần mua sắm không phải từ ngân sách này có phải đấu thầu không? “Nếu cũng phải đấu thầu thì đầu tư sẽ chậm lại, phát sinh kinh phí thủ tục, làm tăng chi phí. Tôi đề nghị trong luật quy định rõ”, bà Dung nêu ý kiến.

Đại biểu cũng nêu nội dung khác là đối với thuốc, vật tư tiêu hao trong ngành y tế, nếu coi như một trong những mặt hàng thông thường để áp dụng Luật Đấu thầu thì sẽ khó thực hiện. Ví dụ như thuốc, chưa chắc loại thuốc giá thấp đã tốt, nhất là một số loại như kháng sinh, nếu không điều trị tốt ngay từ đầu sẽ kéo dài thời gian khỏi bệnh của bệnh nhân và gây kháng thuốc, tạo hệ lụy nặng nề hơn.

Bà Dung cho rằng, thuốc và vật tư y tế là hàng hoá đặc biệt nên trong Luật Đấu thầu nên dành một chương để quy định về các mặt hàng này.

Ví dụ như máy móc vật tư, máy siêu âm 2 đầu dò sẽ khác với 3 đầu dò, 4 đầu dò; đầu dò chuyên tim khác với đầu dò chuyên sản. Mỗi đầu dò chênh nhau 200 triệu. Không thể áp giá cho cùng một mặt hàng. Phải nhìn nhận thực tế để có chính sách thuận lợi cho ngành y, giúp người dân hưởng lợi nhiều hơn.Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung

Nhiều đại biểu đề cập đến việc Luật Đầu thầu phải có khung pháp lý cho việc mua sắm trong những hoàn cảnh đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, địch họa để không dẫn đến lúng túng, sai phạm.

Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện trong luật đã có 2 mục đề cập đến nội dung này. Thứ nhất là Mục 2 Chương 2 về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho trường hợp đặc biệt. Thứ hai là Chương 5 về mua sắm tập trung để chu cấp các sản phẩm.

“Vậy thì có nhất thiết phải thiết kế một chương riêng nữa không? Luật thiết kế theo chiều dọc chứ không phải theo chiều ngang, tức là trường hợp nào được áp dụng chỉ định thầu, những trường hợp nào chỉ định mua sắm tập trung. Cách tiếp cận khác nhau thôi còn dường như đã tương đối đầy đủ. Nếu thấy thiếu thì các đại biểu có thể bổ sung vào 2 chương mục đó”, Bộ trưởng nêu ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp