Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua

BẢO HIỂM Việt nAM
14:41 - 23/03/2022
Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm: Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên họp thứ 9 từ ngày 22 đến 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Trình bày Báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, thống nhất với quan điểm dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ. Việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, đại diện Ủy ban Kinh tế cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.
Ảnh: TTXVN

Trước ý kiến đề nghị bỏ quỹ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm muốn giữ Quỹ này vì “ví dụ vấn đề thiên tai, dịch bệnh thì doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể khó khăn. Nhà nước có công cụ nào để can thiệp vào đây?”.

Đơn cử trường hợp vừa qua có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nên mới thực hiện chia sẻ cho người lao động. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng Quỹ trong luật này cũng để chia sẻ cho người bảo hiểm, tuy nhiên có thể hạ xuống mức thấp hơn hiện tại.

“Đề nghị duy trì Quỹ này và giao cho Chính phủ quy định. Hiện có 1.000 tỷ đồng trong Quỹ, chưa chi đồng nào vì mục đích của quỹ chỉ hỗ trợ cho người bảo hiểm chứ không chi cho việc khác”, ông Hồ Đức Phớc cho biết thêm.

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người mua bảo hiểm

Cũng tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng dự án Luật là bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm, người mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, các quy định của dự thảo Luật đang "thiên" về bảo vệ doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa bảo vệ một cách đầy đủ quyền lợi của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm.

Do đó, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần quy định rõ các doanh nghiệp bảo hiểm khi ký hợp đồng thì cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm để đưa vào cơ sở dữ liệu như thế nào vì đây là thông tin cá nhân, riêng tư được bảo vệ bởi Hiến pháp, pháp luật. Nếu quy định không chặt chẽ việc cung cấp thông tin, vô hình chung sẽ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ thông tin, bí mật cá nhân của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu ý kiến.
Ảnh: TTXVN

“Không có bảo hiểm như cầu thang không có tay vịn”

Cho ý kiến về các vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng khi trình Quốc hội cần làm qua tiếp thu giải trình thế nào, so với dự thảo trình lần 1 thì chỉnh lý, rà soát bao nhiêu điều, đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra hay chưa? Tránh việc “tam sao thất bản”, “gọt” xong lại khác so với yêu cầu ban đầu, trình ra Quốc lại đưa đại biểu vào thế khó khăn trong quyết định.

“Bảo hiểm là vô cùng quan trọng. Cuộc sống mà không có bảo hiểm như đi cầu thang mà không có tay vịn. Quan điểm của Đảng luôn đẩy mạnh các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, có thể cao hơn nhiều lần so với tốc độ GDP, và cần phù hợp với môi trường kinh doanh số", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Ảnh: TTXVN

Kết luận nội dung sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với sự cần thiết quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật; đồng tình với việc dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và giao Chính phủ quy định chi tiết quản lý, sử dụng số dư quỹ, bảo đảm xử lý số dư Quỹ đúng mục đích thành lập Quỹ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với giấy phép thành lập hoạt động cũng chính là giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định của luật hiện hành. Đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp