Supe Lâm Thao đa dạng nguồn cung nguyên liệu, ứng phó khó khăn từ xung đột tại Ukraine

phân bón Việt nAM
11:05 - 25/04/2022
Supe Lâm Thao đảm bảo mức cung ứng phân bón cao nhất đến hết quý II/2022. Ảnh: Phương Thảo/Mekong Asean.
Supe Lâm Thao đảm bảo mức cung ứng phân bón cao nhất đến hết quý II/2022. Ảnh: Phương Thảo/Mekong Asean.
0:00 / 0:00
0:00
Trước những biến động của thị trường thế giới khiến nguồn cung nguyên liệu tăng phi mã, Supe Lâm Thao đang chủ động mở rộng thị trường nguồn cung nhằm đảm bảo sản lượng phân bón bán ra thị trường trong nước luôn ở mức cao nhất đến hết quý II/2022.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), thị trường phân bón thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột Nga - Ukraine. Sự suy giảm nguồn cung xuất khẩu nguyên liệu và sản phẩm từ hai nước này khiến mặt hàng phân bón trên toàn thế giới đang có xu hướng biến động mạnh về giá, dẫn đến tác động tiêu cực đến thị trường lương thực.

Dưới góc độ là một nhà sản xuất phân bón, để đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty và nguồn cung phân bón tới người sản xuất giúp ổn định thị trường, đại diện CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã chia sẻ với MEKONG ASEAN về các biện pháp ứng phó trước tình hình hiện tại.

Giá nguyên liệu nhập khẩu không ngừng tăng

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, xung đột Nga – Ukraine đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường phân bón thế giới nói chung và tác động tới Việt Nam là rất rõ rệt.

Về tình hình nhập nguyên liệu của công ty, ông Hồng thông tin, Ukraine và Nga cung cấp lượng Ure rất lớn đối với Việt Nam vốn là nước phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu này. Lượng cung bị thu hẹp đã đẩy giá thị trường của Ure lên cao, từ mức 6.000/kg đầu năm 2021 tăng lên gần gấp 3 lần là 16.000 – 17.000/kg hiện nay.

Bên cạnh đó, Kali là nguyên liệu không thể sản xuất trong nước nhưng cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung. Trong khi Kali lại tập trung nhiều ở Belarus - một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã đẩy giá kali trong nước tăng hơn gấp đôi, từ mức 6.000 – 7.000/kg lên 15.000 – 16.000/kg. Sự tăng giá nhiều lần của nguyên liệu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kéo theo giá thành sản phẩm NPK cũng tăng lên.

Một loại nguyên liệu khác cũng đang tăng giá gấp 3 lần được ông Hồng chỉ ra là lưu huỳnh sử dụng trong sản xuất Supe lân. Do lưu huỳnh liên quan đến dầu mỏ mà giá dầu mỏ thế giới đang tăng phi mã cũng đẩy toàn bộ giá sản phẩm nguyên liệu này tăng rất cao.

Ảnh tác giả

“Theo phản ứng của giá nguyên liệu tăng gấp đôi, gấp 3 thì giá sản phẩm phân bón cũng phải tăng ít nhất gấp đôi mới bù được giá nguyên liệu. Đây là lý do khiến các nhà sản xuất phân bón đưa giá thành lên rất cao. Khi giá thành sản xuất cao sẽ đẩy giá phân bón tăng, dẫn đến việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu không bán giá cao trong bối cảnh này thì doanh nghiệp lại không có lợi nhuận”.

Ông Vũ Xuân Hồng, Phó TGĐ CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Đảm bảo cung ứng sản phẩm với mức cao nhất đến hết quý II/2022

Để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất trước tình hình giá nguyên liệu phân bón tăng cao, đại diện Supe Lâm Thao cho biết, công ty đã đưa ra phương án vẫn tiếp tục duy trì mua nguyên liệu nhưng có sự lựa chọn kỹ hơn về khách hàng. Mục đích của việc này để làm sao chọn được những đơn hàng sản xuất lớn, từ đó cân đối nhập được nguyên liệu với số lượng lớn hơn để có được giá tốt nhất.

Đồng thời, Supe cũng đa dạng hóa nhiều nhà cung ứng khác nhau và tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước, góp phần giảm nguyên liệu nhập khẩu và giảm sự ảnh hưởng tiêu cực của thị trường phân bón thế giới.

Đối với những nguồn nguyên liệu nhập từ Nga hoặc Ukraine, ông Hồng cho biết, công ty cũng tính đến việc chuyển hướng thị trường. Tuy nhiên, các thị trường thay thế cũng không đáng kể vì nguồn cung của hai nước Nga và Ukraine đang chiếm thị phần lớn trên thế giới.

Về dự báo tình hình phân bón trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Supe Lâm Thao cho rằng, thị trường phân bón đang diễn biến theo hướng phức tạp, khó đoán định. Nếu thời điểm trước có thể nhìn thấy giá cả sẽ biến động theo hướng nào trong một khoảng thời gian dài, nhưng hiện nay, giá phân bón sẽ phải phụ thuộc giá nguyên liệu mà giá nguyên lại phụ thuộc diễn biến tình hình thế giới.

Ảnh tác giả

“Lấy ví dụ 2021, các nhà sản xuất phân bón đều không ngờ giá nguyên liệu, giá sản phẩm liên tục lập đỉnh mới chỉ trong thời gian ngắn. Sang đầu năm 2022 giá nguyên liệu lại neo mức cao hơn, ngay trước cuộc phỏng vấn này, giá kali lại được đầu mối nhập khẩu và phân phối lớn nhất cả nước thông báo tiếp tục tăng giá”.

Ông Vũ Xuân Hồng

Supe Lâm Thao dự báo với diễn biến địa chính trị trên thế giới như hiện nay, giá nguyên liệu phân bón sẽ tiếp tục neo ở mức cao và có thể nhích lên trong thời gian tới. Vấn đề sản xuất phân bón hiện nay vẫn là thiếu nguồn cung nguyên liệu. Những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ sẽ khó có thể mua được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, mà chỉ những nhà sản xuất lớn mới có thể duy trì đáp ứng được thị trường.

Trong khi đó, ông Hồng cũng lo ngại về tình huống quốc gia có ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón quốc tế là Trung Quốc đang sắp hết vụ và chuẩn bị tháo xả hàng phân bón. “Giá phân bón đang neo ở giá cao nhưng khi sập xuống sẽ rất nguy hiểm cho những đơn vị còn đang tồn nguyên liệu và sản phẩm ở giá cao”, ông Hồng phân tích.

Đại diện Supe Lâm Thao cũng cho biết: “Nếu không nhập vào thì không có nguyên liệu sản xuất, nhưng nếu găm nhiều nguyên liệu ở thời điểm này mà bất ngờ diễn biến thị trường xuống giá sẽ ‘gặm’ hết lợi nhuận của thời gian trước và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ”.

Về khả năng đảm bảo nguồn cung ra thị trường, Supe Lâm Thao khẳng định có đủ nguồn cung ứng sản phẩm với mức cao nhất đến hết quý II/2022, với số lượng nguyên liệu sẵn có hiện nay. Trong thời gian tới sẽ có những kế hoạch sản xuất tiếp theo với tiêu chí luôn đảm bảo nguồn cung ra thị trường, không ảnh hưởng đến thời vụ của bà con nông dân.

Trong khi đó, đánh giá về phương án ứng phó trước biến động thị trường của Supe Lâm Thao, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định đây là hướng đi đúng đắn. “Việc mở rộng, đa dạng nguồn cung sẽ giúp doanh nghiệp chủ động giá cả thị trường và đảm bảo sản xuất. Cùng với chính sách hỗ trợ bà con nông dân trả chậm được Supe Lâm Thao áp dụng là sự hỗ trợ thiết thực của công ty với bà con nông dân”, ông Hà nói thêm.

Tuy nhiên, TS. Phùng Hà cũng lưu ý Supe Lâm Thao và các doanh nghiệp đang có hướng xử lý tương tự về việc nhập số lượng lớn nguyên liệu cần căn cứ linh hoạt theo biến động thị trường để phòng trừ rủi ro.

Đưa ra nhận định về vấn đề Trung Quốc có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu ồ ạt phân bón trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam lý giải, giá cả nguyên liệu khí đang tăng cao nên Trung Quốc cũng sẽ phải giảm sản xuất đồng thời dự trữ khí cho mùa vụ khác. “Do vậy, Trung Quốc sẽ chỉ sản xuất cầm chừng, đảm bảo nhu cầu trong nước. Nên khả năng nước này chỉ tung ra lượng phân bón vừa phải. Do đó đây không phải là vấn đề khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam lo lắng”, ông Hà cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp