Supe Lâm Thao đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục đánh dấu mốc lịch sử 60 năm

Supe Lâm Thao đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục đánh dấu mốc lịch sử 60 năm

phân bón Việt nAM
13:12 - 02/05/2022
Sau khi vượt bão Covid-19 thành công năm 2021 với lợi nhuận cao hơn mục tiêu đề ra, CTCP Supe Lâm Thao đang hướng đến mức doanh thu thuần cao chưa từng có vào năm 2022 là 3.200 tỷ đồng, đúng thời điểm công ty kỷ niệm 60 năm ngày bắt đầu sản xuất (1962 - 2022).

Trao đổi với MEKONG ASEAN tại xí nghiệp sản xuất của công ty, ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem), chia sẻ về kết quả của một năm nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất để vượt qua khó khăn chưa từng có do dịch bệnh, cùng với định hướng mới của công ty trong năm 2022.

Ông Vũ Xuân Hồng nhận định, 2021 là một năm khó khăn dồn dập đối với Supe Lâm Thao. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã đẩy giá nguyên liệu lên cao trong khi công tác thị trường không thể triển khai đều đặn, nhân lực bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội phải áp dụng "3 tại chỗ" với chi phí hoạt động tăng.

Ngoài ra, một số thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón lớn của công ty như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đúng thời điểm chính vụ (quý I/2021) lại đang là tâm dịch khiến kế hoạch giao hàng buộc phải dừng lại. Sau đó, đến lượt hai thị trường lớn khác là Bắc Ninh, Bắc Giang (quý II/2021) cũng thành tâm dịch khi nông sản vào mùa thu hoạch. Tình hình phong tỏa khiến nông sản không thể xuất đi được, dẫn đến bà con nông dân không thể tái thâm canh và sản lượng tiêu thụ phân bón của Supe Lâm Thao theo đó cũng sụt giảm.

“Để khắc phục những khó khăn này, Supe Lâm Thao đã tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, tăng cường đổi mới công nghệ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, nhằm giảm giá thành sản phẩm hỗ trợ bà con nông dân. Đồng thời, công ty cũng quan tâm đến người lao động, khi sớm chủ động phủ kín 3 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân”, ông Hồng cho biết thêm.

Kết quả từ những cố gắng này, theo số liệu tại báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Supe Lâm Thao không những không giảm mà còn tăng 37,99 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Giải thích cho kết quả tích cực này, Supe Lâm Thao cho biết đã có những điều chỉnh trong năm 2021 để đối phó tác động của dịch bệnh COVID-19. Theo đó công ty đã thực hiện giảm tải các dây chuyền sản xuất NPK trong tháng 9, tháng 10, đồng thời chỉ duy trì sản xuất Axit và dây chuyền Supe lân theo phương án "3 tại chỗ" để đảm bảo duy trì sản xuất.

Điều này khiến dù các chi phí cố định tăng đột biến và nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh đẩy giá thành công xưởng của sản phẩm phân bón bình quân trong năm tăng 110% so với cùng kỳ, nhưng Supe Lâm Thao vẫn đạt doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 2.801 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2020.

Đặc biệt, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 79 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 67 tỷ đồng, tăng 131% so với năm 2020.

Bước sang năm 2022, Phó Tổng Giám đốc Vũ Xuân Hồng khẳng định, công ty sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững chất lượng sản phẩm bằng cách phát triển các dòng sản phẩm mới như phân bón Hữu cơ khoáng; bộ sản phẩm NPK-S hàm lượng cao thế hệ mới. Bên cạnh đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh để đánh dấu cột mốc kỷ niệm 60 năm ngày công ty bước bắt đầu hoạt động (24/6/1962 - 24/6/2022).

Với định hướng của công ty là cải tiến sản phẩm góp phần xanh hóa nền nông nghiệp, ông Hồng cũng chia sẻ rằng, trước bối cảnh ngành nông nghiệp triển khai hàng loạt chương trình nông nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, công ty Supe Lâm Thao cũng không đứng ngoài cuộc mà xác định cần có những thay đổi trong chiến lược sản xuất, nghiên cứu các dòng phân bón phù hợp với xu thế sản xuất mới.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống 60 năm vốn quen thuộc với bà con nông dân, Supe Lâm Thao đề cao sự cải tiến, thay đổi, thích nghi với nhu cầu mới, để có thể tăng sản lượng và doanh thu. Theo ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Supe Lâm Thao, từ đầu năm đến nay công ty đã cho ra mắt một số sản phẩm mới phù hợp với xu hướng hiện đại.

Để có các dòng sản phẩm mới này, từ năm 2021 Supe Lâm Thao đã phối hợp với các đối tác nghiên cứu, thử nghiệm và lựa chọn được đơn vị cung cấp chủng vi sinh có hiệu quả cao, công nghệ hiện đại và độc quyền là Biowish của Mỹ. “Đây cũng là sản phẩm nằm trong chiến lược xanh hóa nền nông nghiệp, sản phẩm phân vi sinh sẽ là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Đây là phân bón sạch và chất lượng vì sinh vật có thể sống được trên đó, giúp bà con nông dân có thể yên tâm sử dụng, từ đó làm tăng giá trị nông sản”, ông Hồng cho biết thêm.

Sau khi bán lô phân bón vi sinh đầu tiên vào đầu tháng 2 vừa qua, Supe Lâm Thao dự kiến trong năm 2022 sẽ đưa ra thị trường 7.000 – 10.000 tấn sản phẩm mới này ngay trong năm đầu tiên, đồng thời xây dựng kế hoạch để đẩy nhanh sản lượng tiêu thụ lên cao hơn trong các năm tới.

Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, Supe Lâm Thao cũng luôn xác định vai trò trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Với tư cách là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đồng hành cùng nhà nông, công ty đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân cả nước.

Đây cũng chính là lý do công ty chấp nhận tăng giá bán sản phẩm của mình thấp hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào, nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp hiện nay.

Năm 2021, tổng cộng Supe Lâm Thao đã cung ứng 8.617 tấn phân bón trả chậm ra thị trường để hỗ trợ bà con nông dân vùng sâu vùng xa chỉ sau 6 tháng. Dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022. Với chương trình này, tới khi nông sản được thu hoạch, nông dân mới phải thanh toán tiền phân bón, tạo sự yên tâm về giá cả và chất lượng phân bón, đồng thời giúp người nông dân có thể giảm bớt nỗi lo về vốn cho sản xuất.

Ngoài ra, ông Hồng cũng cho biết, Supe Lâm Thao sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ khác cho nhà nông được triển khai trong năm nay: Mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón hiệu quả, nhất là trong giai đoạn giá phân bón đang tăng cao; thực hiện các mô hình trình diễn sản phẩm phân bón cùng nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt.

Để có được sự phát triển của Supe Lâm Thao như hiện nay là nhờ một nền tảng được xây dựng trong suốt 6 thập kỷ qua, khi cơ sở đầu tiên của nhà máy được xây dựng và đóng vai trò là một trong những đầu tàu công nghiệp của cả khu vực Miền Bắc thời đó.

Sau 3 năm lao động trên công trường với hơn 2.000 cán bộ, công nhân và chuyên gia Liên Xô, ngày 24/6/1962, tại khu đồng Voi Đằm (nay thuộc thị trấn Lâm Thao), Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, tiền thân của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ngày nay, đã chính thức đi vào hoạt động, trở thành một trong những "đứa con đầu lòng" của nền công nghiệp miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa.

Sau nhiều giai đoạn đầu tư và phát triển mở rộng quy mô, dây chuyền sản xuất, công ty đã tạo dựng thành công một thương hiệu uy tín cho các sản phẩm phân bón trên toàn quốc, với nhận diện hình ảnh thương hiệu truyền thống là “ba nhành lá cọ xanh”, hình ảnh đặc trưng của vùng trung du Phú Thọ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và căn cứ tình hình thực tế của đơn vị, ngày 1/1/2010, công ty đã chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Hai năm sau, tới ngày 1/2/2012, cổ phiếu của Supe Lâm Thao (mã chứng khoán LAS) chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam, giá cổ phiếu LAS đã chứng kiến khá nhiều đợt tăng - giảm khác nhau kể từ khi lên sàn. Sau khi có xu hướng đi xuống trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 7/2020, giá cổ phiếu LAS đang trên đà tăng trưởng trở lại. Tính theo giá điều chỉnh, giá cổ phiếu LAS đạt đỉnh 26.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/12/2021, tăng từ mức thấp nhất là 3.450 đồng/cổ phiếu ngày 8/3/2012.

Hiện nay, tiếp nối 60 năm phát triển, Supe Lâm Thao đang tiếp tục giữ vai trò là doanh nghiệp sản xuất phân bón hàng đầu trong nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền công - nông nghiệp Việt Nam và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc tiếp