Tái bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank

NGÂN HÀNG Việt nAM
17:41 - 01/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sacombank cho biết, được sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước và sự bổ nhiệm của HĐQT và sự tín nhiệm của cổ đông và khách hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được quyết định tái bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Sacombank kể từ ngày 30/6/2022 với thời hạn 5 năm.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm bắt đầu công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) từ năm 2002, từng đảm nhiệm các công việc thuộc mảng kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành.

Trước khi đứng đầu Ban điều hành Ngân hàng Sacombank, bà Diễm là Phó tổng giám đốc phụ trách thu hồi nợ, một trong những hoạt động trọng yếu đang được Sacombank tập trung thực hiện theo định hướng của Đề án Tái cơ cấu ngân hàng sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đến năm 2017 bà trở thành Tổng giám đốc Sacombank khi ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập và đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu. Đến tháng 4/2022, bà giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank. Với quyết định bổ nhiệm mới, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm vừa là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng.

Với kinh nghiệm về quản lý, điều hành cũng như thấu hiểu hoạt động của Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt Sacombank tái cơ cấu thành công, giữ vững tốc độ tăng trưởng và đạt được nhiều thành quả tích cực trong thời gian tới.

Nhờ nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong 5 năm gần đây, chất lượng tài sản đã được gia tăng đáng kể cũng như giảm được đáng kể các khoản trái phiếu của VAMC, tạo tiền đề cho việc bán đấu giá phần vốn đang được quản lý bởi VAMC.

Theo đó Sacombank đã thu hồi, xử lý 71.992 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 58.306 tỷ là các khoản thuộc Đề án, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đến năm 2025. Tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ bán VAMC chưa xử lý ở mức 6,71%, giảm 15,06% so với năm 2016.

Bên cạnh việc quyết liệt thu hồi/xử lý nợ xấu, mọi mặt hoạt động kinh doanh của Sacombank cũng được tập trung kiện toàn và đẩy mạnh phát triển trong 5 năm qua. Quy mô tăng trưởng liên tục qua các năm, trong khi hiệu quả kinh doanh được phục hồi đáng kể.

Lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng tăng từ mức 50 tỷ đồng/ tháng vào năm 2016 lên thành 1000 tỷ đồng/tháng hiện hữu. Nhờ đó, Ngân hàng có nguồn lực tài chính để đẩy mạnh trích lập dự phòng, phân bổ các tồn đọng tài chính vượt mục tiêu, trong khi vẫn đảm bảo lợi nhuận hàng năm vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao.

Ngân hàng cũng đẩy mạnh tái cấu trúc mạng lưới điểm giao dịch theo chiều sâu, từ đó tăng hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động trên toàn hệ thống. Danh mục sản phẩm của Sacombank ngày càng đa dạng, đáp ứng tất cả các nhu cầu về vốn, thanh toán, quản lý dòng tiền, bảo hiểm, kiều hối… với hệ khách hàng tăng trưởng mạnh, chạm mốc 10 triệu vào cuối năm 2021.

Trong năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 10% so với năm ngoái, đạt 573.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động đạt 512.700 tỷ đồng, tăng 10%. Dư nợ tín dụng đạt 435.000 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.280 tỷ đồng, tăng 20%. Tỷ lệ kiểm soát nợ xấu dưới mức 2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp