Tái cơ cấu giúp ngành nông nghiệp 'thoát hiểm' để cán đích 2022

NÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG
14:23 - 30/12/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nông nghiệp "từ nâu sang xanh", ngành nông nghiệp trong năm 2022 đã vượt qua được những thách thức, mở rộng thị trường để đạt kết quả tăng trưởng GDP và kim ngạch xuất khẩu ở mức kỷ lục.

GDP tăng cao nhất

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả công tác năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, sáng 30/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định, trong năm qua, ngành NN&PTNT đã linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và đổi mới tư duy, vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất bình thường của thực tiễn sản xuất kinh doanh, đạt các mục tiêu phát triển.

Họp báo thông tin kết quả công tác năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành năm 2023.

Họp báo thông tin kết quả công tác năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành năm 2023.

Sản lượng các ngành đều tăng với nhiều mặt hàng vượt mục tiêu đề ra giúp tốc độ tăng GDP và kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lập kỷ lục. Theo thống kê, năm 2022 giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,36% là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt tăng 1,51%, chăn nuôi tăng 5,93%); thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Tỷ lệ che phủ rừng trên 42,02%, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD. Trong đó, 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tái cơ cấu nông nghiệp đã đi vào chiều sâu thể hiện qua tỷ trọng giá trị xuất nông sản ở các thị trường lớn đều tăng. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 24,5% trong giá trị xuất khẩu, Trung Quốc chiếm 19,2%, Nhật 8%, Hàn Quốc 4,7%, Philippine 3,6%.

"Nếu không tái cơ cấu thì chất lượng nông sản đã không thể đi vào các thị trường lớn như vậy. Năm 2022 sẽ là tiền đề vững chắc cho ngành nông nghiệp 2023 sẽ làm tốt hơn và đi sâu vào các thị trường lớn hơn nữa. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát, giải quyết linh hoạt tháo gỡ những khó khăn, liên tục đưa đàm phán mở rộng thị trường”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Một tín hiệu đáng mừng khác trong năm 2022 được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhắc tới là ngành đang chuyển "từ nâu sang xanh" tương đối rõ ràng. Điều này thể hiện bằng việc lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm mạnh. Khái niệm "từ nâu sang xanh" do Bộ trưởng NN&PTNT đưa ra, để chỉ nền nông nghiệp chuyển từ việc sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên, đất đai, lao động... sang nền nông nghiệp ứng dụng nhiều khoa học, công nghệ và tri thức.

Trước đây, kiểm định của Ủy ban khoa học công nghệ môi trường nhận thấy, Việt Nam nhập số lượng thuốc bảo vệ thực vật cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, lên tới 120.000 tấn. Nhưng đến năm 2022 chỉ còn 67.000 tấn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.

Phân bón hữu cơ đã vươn lên xấp xỉ 3 triệu tấn, phân bón vô cơ được quản lý chặt chẽ và được quy định trong chương riêng của Luật Trồng trọt. Nhờ vậy, trong thời kỳ bão giá bài toán phân bón được giải quyết linh hoạt.

“Đây là những con số hết sức sinh động để các nông sản cấp chứng thư xuất khẩu. Nếu năm 2020, có 28,6% lô hàng bị cảnh báo, 2021 có 13,41% thì năm 2022 chỉ còn 8%. Minh chứng cho thấy ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu mạnh mẽ và chuyển đổi từ nâu sang xanh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Do đó, cần nhiều hơn sự nỗ lực của toàn ngành với các mục tiêu đã được lên kế hoạch.

Thận trọng với các mục tiêu 2023

Năm 2023 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới, đặc biệt là tác động từ xung đột Nga – Ukraine.

Trước những tiền đề thuận lợi và thách thức đã dự báo trước, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD.

Nông nghiệp chuyển từ nâu sang xanh.

Nông nghiệp chuyển từ nâu sang xanh.

Nhận định về mục tiêu thận trọng này, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp tuy có nhiều tín hiệu mở cửa thị trường tích cực, tuy nhiên cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức chung từ bối cảnh kinh tế thế giới biến động. Hơn nữa, ngành nông nghiệp khác những lĩnh vực khác có thể có tốc độ tăng trưởng nhanh mỗi năm bởi tính rủi ro cao.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, kế hoạch năm 2023 của Bộ NN&PTNT nêu rõ, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam.

Trong đó, các nhiệm vụ và các giải pháp chính tập trung vào kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Đặc biệt là thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.

Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Các mục tiêu phát triển của ngành NN&PTNT năm 2023:

Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%;

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD;

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng;

Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%;

Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.

Tin liên quan

Đọc tiếp