Tại sao thông tin 'nơi sinh' trên hộ chiếu là yếu tố quan trọng

Hộ chiếu THẾ GIỚI
15:00 - 28/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nơi sinh (POB) là một trong những thông tin quan trọng của mỗi cuốn hộ chiếu trên thế giới. Nếu không có thông tin mang tính tùy chọn này, một số quốc gia có thể từ chối cho nhập cảnh với người mang hộ chiếu. 

Ngày 27/7, Đức thông báo không cấp thị thực (visa) cho mẫu hộ chiếu phổ thông mẫu mới bắt đầu bằng chữ P của Việt Nam, vốn bắt đầu lưu hành từ 1/7/2022. Lý do được đưa ra là hộ chiếu mới thiếu thông tin về nơi sinh (POB - Place of Birth).

Trong công hàm của Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27/7 nêu rõ: “Chỉ có thể xác định được nơi sinh thông qua số định danh cá nhân có 12 chữ số và thông qua việc đối chiếu với một danh sách dài 7 trang. Không có nơi sinh thì không thể xác định rõ ràng người mang hộ chiếu, đặc biệt vì nhiều trường hợp trùng họ. Đối với cơ quan chính quyền ở Đức, việc tìm nơi sinh thông qua số định danh trong hộ chiếu là không thể thực hiện được”.

Ngay trong sáng 28/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề trên. Bộ Ngoại giao cũng đã gửi công hàm đề nghị phía Đức hỗ trợ tháo gỡ vấn đề liên quan đến hộ chiếu mới.

Tại sao nơi sinh lại quan trọng đến vậy?

Nơi sinh (POB) vốn là mục thông tin mà nhiều quốc gia yêu cầu phải hiển thị trên hộ chiếu. Theo trang Best-citizenships, mục nơi sinh (POB) trên hộ chiếu bị thiếu hoặc trống bị một số quốc gia coi là "mối đe dọa về an ninh".

Nơi sinh (POB) cùng với thông tin về Tên, Họ, Ngày sinh (DOB) và dấu hiệu sinh trắc học (dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm khuôn mặt) vốn là cơ sở dữ liệu quan trọng được quốc tế đối chiếu để xác định các những kẻ tình nghi và khủng bố. Giá trị DOB và POB không bao giờ thay đổi đối với một cá nhân và nó giúp xác định duy nhất một người.

Trong đó, nơi sinh (POB) là thông tin không bao giờ thay đổi, bất kể mỗi cá nhân có bao nhiêu hộ chiếu, thậm chí được cấp bởi các quốc gia khác nhau. POB trên hộ chiếu bị thiếu hoặc trống có thể khiến các tội phạm dễ dàng lợi dụng và che giấu danh tính thật. Tuy nhiên, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang quy định mục POB mang tính tùy chọn, tức có thể có hoặc không hiển thị trên hộ chiếu.

Quyền riêng tư về nơi sinh

Có những lý do để công dân một số nước không muốn hiện thông tin nơi sinh trên hộ chiếu. Ví dụ, một nghiên cứu về việc xóa thông tin nơi sinh được đệ trình lên Quốc hội Mỹ đã chỉ ra mối lo ngại rằng, một số công dân Mỹ sinh ra ở nước ngoài có thể dễ bị quấy rối chính trị hoặc bạo lực thể chất vì thông tin này được hiển thị trên hộ chiếu.

Tuy nhiên, mối lo ngại này đã tăng lên trong những năm gần đây với sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Do vậy, Mỹ tỏ ra khắt khe hơn về POB và hộ chiếu nước này vẫn giữ mục thông tin này.

Mẫu trang thông tin chính trên hộ chiếu Mỹ.

Mẫu trang thông tin chính trên hộ chiếu Mỹ.

POB cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất hồ sơ hộ chiếu để hỗ trợ các cơ quan xác định quốc tịch hoặc thông báo cho thân nhân hoặc những người được cá nhân chỉ định để được thông báo trong trường hợp khẩn cấp.

Tại Anh, mục POB trên hộ chiếu và giấy thông hành là thị trấn, thành phố, làng… (giống trên giấy khai sinh), không nhất thiết phải ghi là “sinh ra tại Anh”. Trong những trường hợp đặc biệt và để hỗ trợ người gặp rắc rối về POB trên hộ chiếu, Dịch vụ Nhận dạng và Hộ chiếu (IPS) có thể nhập “sinh ra tại Anh” để xác nhận quốc tịch của người mang hộ chiếu.

Những quốc gia không để mục POB trên hộ chiếu

Vào năm 1986, hai quốc gia là Áo và Canada cho phép công dân của nước họ tùy chọn loại bỏ mục POB trên hộ chiếu. Chính phủ Canada dù cho phép không thêm thông tin này vào hộ chiếu nhưng cảnh báo công dân có thể đối mặt với vấn đề xin thị thực hoặc bị từ chối, chậm trễ tại nơi làm thủ tục nhập cảnh (biên giới), bị các quốc gia yêu cầu thông tin nơi sinh từ chối cho nhập cảnh.

Thụy Sỹ cũng không có mục POB trong hộ chiếu, mà chỉ có mục Quê quán (Place of Origin). Saudi Arabia cũng là một quốc gia nữa không còn ghi thông tin này trên hộ chiếu của mình.

Hộ chiếu của Saudi Arabia không có mục POB.

Hộ chiếu của Saudi Arabia không có mục POB.

Năm 2016, chính phủ Na Uy cũng thay thế mục POB bằng "nơi sinh không xác định" trong hộ chiếu của công dân nhập tịch từ 31 quốc gia châu Á và châu Phi. Quy định này nhằm bảo vệ các công dân nhập tịch khỏi nạn phân biệt chủng tộc.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia có hộ chiếu quyền lực bậc nhất thế giới vì công dân có thể đến hầu hết các quốc gia mà không cần xin visa. Tuy nhiên, trên mẫu hộ chiếu của hai nước này cũng không có mục POB. Thông tin POB vốn không được cho là quá quan trọng trong hệ thống định danh, quản lý công dân. Nhật Bản hiện tại sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới theo dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).

Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục POB.

Hộ chiếu Hàn Quốc không có mục POB.

Hộ chiếu Nhật Bản không có mục POB.

Hộ chiếu Nhật Bản không có mục POB.

Trường hợp đặc biệt

Trường hợp sinh ra ở vùng biển quốc tế hoặc đường hàng không thì thông tin nơi sinh trong hộ chiếu phải ghi là sinh ra trên biển/trên không. Nơi sinh của những người này phụ thuộc vào luật của các quốc gia liên quan, bao gồm quốc tịch của máy bay hoặc tàu biển, quốc tịch của cha mẹ và hoặc vị trí của máy bay hoặc tàu thủy (nếu sinh ra trong lãnh hải hoặc vùng trời của một quốc gia).

Tin liên quan

Đọc tiếp