Tâm tư người lao động bị ảnh hưởng việc làm khi ngày Tết cận kề

Công nhân HÀ NỘI
07:55 - 13/01/2023
Người lao động khó có cơ hội tìm việc làm vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng và nâng cao tiêu chuẩn tay nghề. Ảnh: Phương Thảo.
Người lao động khó có cơ hội tìm việc làm vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng và nâng cao tiêu chuẩn tay nghề. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Đi dọc các con đường quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long – Hà Nội những ngày giáp Tết này có thể dễ dàng bắt gặp lác đác những tốp công nhân tan ca. Đây là những người lao động còn may mắn duy trì được việc làm trước Tết âm lịch.

Thống kê chưa đầy đủ của Viện Công nhân và Công đoàn trong tháng 11/2022 tổng hợp từ 44 Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố cho thấy, có khoảng 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 người mất việc. Con số này chủ yếu rơi vào ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ và tập trung vào các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM. Tình hình ở phía Bắc ít bị ảnh hưởng hơn.

Tình trạng này vẫn tiếp tục gia tăng trong tháng 12/2022, khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến việc hàng trăm nghìn người lao động bị thiếu việc, mất việc, giảm thu nhập thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

Một xóm trọ tại thôn Hậu Dưỡng – Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đóng cửa im lìm khi công nhân đã về nghỉ Tết sớm.

Một xóm trọ tại thôn Hậu Dưỡng – Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đóng cửa im lìm khi công nhân đã về nghỉ Tết sớm.

Mekong ASEAN đã có cuộc trò chuyện với các công nhân tại chợ dân sinh thôn Hậu Dưỡng, Đông Anh (Hà Nội) vào dịp năm mới chuẩn bị đến.

Kém may mắn hơn những lao động khác, một nữ công nhân giấu tên 35 tuổi đến từ Yên Bái, đang làm tại Công ty Denso cho biết, cô đã bị giãn việc 2 tháng nay. Một tay xách túi thức ăn sơ sài cho gia đình 5 người ăn, một tay bế con trai nhỏ mới 3 tuổi, chị buồn rầu chia sẻ, hơn 2 tháng nay đã phải nghỉ làm không lương.

“Hai vợ chồng tôi xuống đây làm công nhân 10 năm nay rồi. Trước dịch Covid-19 thì mỗi người được hơn 10 triệu đồng tiền lương cả tăng ca nhưng giờ chỉ còn khoảng 7 triệu đồng. Mà nay lại đang tạm nghỉ việc như thế, tiền nhà tiền sinh hoạt, tiền học các con đều tăng nhưng lương thì không tăng, thậm chí có tháng không có, phải đi vay hoặc ông bà ngoại gửi thức ăn cho”, nữ công nhân nói về tình hình của mình.

Khi được hỏi về vấn đề thưởng Tết, nữ công nhân này tiếc nuối nhớ lại thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, có năm chị được thưởng Tết đến 5 chấm (nghĩa là 5 tháng lương), nhưng đến năm ngoái thì bị âm thưởng Tết. Năm nay, chị đang trông chờ vào khoản tiền dự kiến thưởng 0,5 - 1 chấm của công ty để lo cho gia đình mình một cái Tết ấm êm hơn.

Trước những khó khăn dường như chưa nhìn thấy ngày kết thúc như vậy, chị cho biết, sau Tết Nguyên đán, hai vợ chồng có kế hoạch sẽ về hẳn quê ở huyện Yên Bình (Yên Bái) tìm việc và sinh sống vì không thể trụ được thêm ở Hà Nội.

Tình cảnh khó khăn của công nhân cũng kéo theo tác động đến những người làm dịch vụ liên quan. Hỏi về tình hình buôn bán thời gian gần đây ở chợ thôn Hậu Dưỡng – nơi phục vụ buôn bán cho chủ yếu là công nhân của khu công nghiệp Bắc Thăng Long, bà Yến, 60 tuổi đến từ huyện Thanh Ba (Phú Thọ) cho biết, tình trạng ế ẩm đã kéo dài vài tháng qua. Điều này không chỉ xảy ra ở sạp hàng của bà Yến mà còn là tình trạng ảm đạm chung của nhiều người bán hàng khác.

“Trước đây, tôi lấy ổi buổi sáng là trưa hoặc chiều sẽ bán hết. Nhưng giờ phải lấy ít hàng đi vì người mua giảm nhiều. Có những cháu công nhân là khách quen hai ba ngày lại thấy mua hàng thì giờ cũng không qua nữa. Hỏi thăm mới biết họ bị nghỉ việc nên về quê rồi. Nhiều nhà trọ giờ cũng vắng theo”, bà Yến nói.

Tâm tư người lao động bị ảnh hưởng việc làm khi ngày Tết cận kề ảnh 2

Bà Yến buồn rầu vì mất nhiều khách quen do công nhân mất việc về quê hoặc giảm thu nhập. Ảnh: Phương Thảo.

Bà Yến quê gốc tại Phú Thọ, sau đó theo con trai và con dâu đang làm công nhân xuống đây để trông cháu. Từ ngày doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, các con ít tăng ca hơn, thu nhập giảm sút, các cháu nhỏ lại hay ốm từ sau khi bị Covid, bà Yến nhập thêm ổi ra chợ bán để có thêm chi phí trang trải sinh hoạt.

Câu chuyện của các con nhà bà Yến cũng là câu chuyện của nhiều công nhân khác nơi đây. Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Lan, 27 tuổi đến từ huyện Tiền Hải, Thái Bình đang làm công nhân tại Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam cho biết, chị vừa mới được đi làm lại đủ tháng 11/2022. Trước đó, nửa tháng 9 và tháng 10, chị phải nghỉ việc hoàn toàn vì công ty báo hết đơn hàng.

Mặc dù được công ty hỗ trợ phần nào trong thời gian phải nghỉ việc nhưng chị Lan cho biết thu nhập hiện giờ rất thấp, hầu như tháng nào hết tháng đó không để ra được chút tiết kiệm nào trong khi Tết đang cận kề.

Chị Lan lo lắng về thời điểm phục hồi việc làm sau tết. Ảnh: Phương Thảo.

Chị Lan lo lắng về thời điểm phục hồi việc làm sau tết. Ảnh: Phương Thảo.

“Trong thời gian nghỉ việc, để trang trải chi phí sinh hoạt thì tôi đi làm thời vụ cho các công ty khác nhưng tiền công cũng không đáng là bao. Chồng tôi chỉ làm tự do nên thu nhập cũng bấp bênh, phải chắt bóp chi tiêu. Tôi cũng không biết ra Tết công ty có đều việc trở lại không vì đến nay vẫn chưa nhận được thông báo gì”, chị Lan thở dài.

Số lượng tuyển dụng lao động của các công ty thời điểm này cũng không còn dồi dào như các thời điểm trước. Tại khu vực treo bảng tuyển dụng của khu công nghiệp Bắc Thăng Long, số áp phích tuyển dụng mới chỉ đủ che kín 1/3 diện tích bảng. Anh Quý, 20 tuổi, sinh sống ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang đến từng bảng tin để tìm kiếm cơ hội việc làm trước Tết cho mình.

“Năm nay tôi xin nhiều nơi rồi mà chưa tìm được việc. Nhu cầu tuyển dụng của các công ty ít đi trong khi thi tuyển đầu vào tay nghề lại khắt khe hơn. Thành thử đến Tết mà tôi vẫn thất nghiệp”, anh Quý chia sẻ rồi thất vọng rời khỏi bảng tin.

Tâm tư người lao động bị ảnh hưởng việc làm khi ngày Tết cận kề ảnh 4

Bảng tuyển dụng của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long chỉ mới kín 1/3 diện tích.

Ảnh: Phương Thảo.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2022 phục hồi tích cực nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong quý IV/2022.

Tuy lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV/2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46 triệu người, tăng 1,4 triệu người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2022 là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%.

Tin liên quan

Đọc tiếp