Tăng trưởng ổn định, lợi nhuận các ông lớn ngân hàng ra sao nửa cuối 2022

TĂNG TRƯỞNG NGÂN HÀNG
13:12 - 25/08/2022
Tăng trưởng ổn định, lợi nhuận các ông lớn ngân hàng ra sao nửa cuối 2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, bối cảnh thị trường nhiều biến động vẫn có các yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành ngân hàng. Trong đó tỷ lệ nợ xấu thấp, thu nhập ngoài lãi phục hồi và kiểm soát tốt chi phí rủi ro tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính.

Theo số liệu trong báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng quý II/2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HOSE, HNX, UPCoM) tăng 13,5% so với cùng kỳ, chậm hơn so với mức tăng 36,7% của quý I/2022 và mức 72,7% của quý II/2021. Tính chung trong 6 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 24,2%.

Trong đó, tổng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng tăng 39,8% so với cùng kỳ trong quý II/2022, cao hơn so với quý I/2022 (tăng 31,7%) và quý II/2021 (tăng 34,3%). Chi phí dự phòng giảm 17% trong khi tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng 13 điểm lên 1,56% trong quý II/2022.

Động lực tăng trưởng ngành ngân hàng cuối năm vẫn ổn định

Nhận định về triển vọng ngành trong nửa cuối năm, báo cáo ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm mới đây Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng thu nhập danh mục ngành năm 2022 từ 17% lên 20% trong khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng từ 27% lên 42%.

Theo VDSC, trong khi một số động lực tăng trưởng trở nên bất định do bối cảnh vĩ mô nhưng vẫn có những yếu tố đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành.

Cụ thể, báo cáo của VDSC cho rằng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của đóng góp từ các công ty con cũng như tăng trưởng bền vững của bancassurance và tài trợ thương mại.

Ngoài ra, do cải thiện chi phí rủi ro, ROA và ROE các ngân hàng sẽ tăng trong năm 2022.

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu hình thành được dự báo sẽ tăng trong nửa cuối năm và năm 2023 nhưng không đổi so với mức trước Covid-19, với nguyên nhân là nợ cơ cấu và sự bình thường hóa ở việc chuyển nhóm nợ xấu. Dư địa và khả năng tiếp tục giảm chi phí rủi ro tín dụng sẽ phân hóa.

Thêm vào đó, các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân lớn có lợi thế hơn nhờ bộ đệm dự phòng. VDSC kỳ vọng sự suy giảm tương đối của nợ cơ cấu, gây áp lực lên hình thành nợ xấu và xóa nợ. Tỷ lệ bao phủ có thể giảm ở các ngân hàng quốc doanh do dư nợ các doanh nghiệp lớn nhưng sức khỏe của bảng cân đối sẽ không bị ảnh hưởng tổng thể.

Tỷ lệ nợ xấu hình thành ròng tăng trở lại ở các ngân hàng quốc doanh nhưng giữ mức thấp ở các ngân hàng tư nhân lớn. Đường cong tỷ lệ hình thành nợ xấu cho thấy tín hiệu phục hồi tốt của khách hàng tại các ngân hàng lớn và tại khách hàng trung và cao cấp, tuy nhiên có xu hướng ngược lại từ mảng tài chính tiêu dùng do sự phục hồi chậm của KH thu nhập thấp.

Triển vọng các ông lớn ngành ngân hàng ra sao những tháng cuối năm?

Từ những phân tích vĩ mô về toàn ngành, các chuyên gia của VDSC đã có những đánh giá về triển vọng cũng như rủi ro của các ông lớn ngành ngân hàng thời gian tới. Cụ thể:

Ngân hàng Quân đội (MB), theo các chuyên gia, tăng trưởng tăng trưởng lợi nhuận biến động trong 6 tháng đầu năm tạo kỳ vọng cho xu hướng trong nửa cuối năm trên nền tảng bộ đệm dự phòng. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm là 49% đến từ hạn mức tăng trưởng tín dụng cao và quản trị chi phí. Bộ đệm dự phòng dày và NIM duy trì sẽ giúp đạt mức tăng trưởng 35% trong nửa cuối năm 2022.

Thu nhập phí sẽ phục hồi toàn diện trong nửa cuối năm 2022, tăng 28% so với năm trước. Doanh số thu hồi nợ đã xóa sẽ đi ngang. Lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm dự kiến giảm nhẹ 3% so với nửa đầu năm Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cuối năm sẽ ở mức cao, giúp tăng trưởng lợi nhuận cả năm đạt 42%. Chuyên gia cũng dự báo năm 2023 sẽ ở mức 27.400 tỷ, tăng 17% so với năm trước.

Ngoài ra, chiến lược 2022-2026 đặt mục tiêu biến ngân hàng thành một tập đoàn tài chính công nghệ với quy mô số hóa toàn diện.

Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), theo VDSC, khả năng hoàn thành tăng vốn trong năm 2022 là không chắc chắn, trong khi việc nhận chuyển giao ngân hàng cũng không thể dự phóng về lợi ích và điểm rơi thời gian.

Tuy nhiên, với mức trích lập thận trọng trong nửa đầu năm, VDSC cho rằng ngân hàng sẽ dễ dàng vượt qua biến động từ việc phân loại lại nợ cơ cấu trong nửa cuối năm. Tăng trưởng bảng cân đối vẫn sẽ tích cực dù hạn mức tăng trưởng tín dụng không chắc chắn. NIM dự kiến đi ngang so với nửa đầu năm ở mức 3,3% dù lãi suất huy động tăng.

Lợi nhuận trước thuế 2022-2023 không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều chỉnh dự phóng, duy trì ở mức 36.900 tỷ (tăng 35%) và 41.400 tỷ (tăng 12%), đồng nghĩa lợi nhuận tăng trưởng 41% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm. Chi phí tín dụng sẽ là yếu tố tăng trưởng then chốt còn NIM sẽ đóng góp tích cực.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), VDSC cho rằng, động lực tăng trưởng chính là cải thiện chi phí rủi ro nên VietinBank ít bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn trong hạn mức tăng trưởng tín dụng. Giải ngân đầu tư công sẽ là yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi. Do đó, VDSC cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận cao của ngân hàng trong nửa cuối năm là tương đối chắc chắn.

Theo các chuyên gia, tăng trưởng được kỳ vọng đạt 54% trong nửa cuối năm, với mức tăng trưởng trước trích lập là 20%. NIM mở rộng sẽ là yếu tố mang tính hỗ trợ, trong khi tăng trưởng thu nhập phí sẽ tiếp tục cải thiện nhờ doanh số bancassurance. Tăng trưởng tín dụng dự phóng đạt 12%. Diễn biến thực tế có thể có bất ngờ khi ngân hàng đang xin mức tăng trưởng 14-15%.

Ngoài ra, bằng cách đầu tư vào công nghệ, kết hợp với NIM điều chỉnh rủi ro tăng nhờ chi phí huy động vốn giảm mạnh và chi phí tín dụng được kiểm soát, VietinBank có khả năng tăng trưởng bảng cân đối một cách hiệu quả bất chấp áp lực từ nguồn vốn. Tăng trưởng thanh toán và thu hồi nợ sắp tới sẽ góp phần tạo ra khả năng sinh lợi tốt hơn thông qua tăng trưởng thu nhập ngoài lãi.

Tuy nhiên về rủi ro, VDSC cho rằng rủi ro giảm giá bao gồm sự phục hồi kinh tế không chắc chắn và các gói cho vay ưu đãi. Rủi ro tăng giá bao gồm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các chuyên gia VDSC nhận định, chi phí tín dụng là động lực chính, đặc biệt trong quý II/2022. Chuyên gia kỳ vọng BIDV thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận lên 79% so với cùng kỳ trong nửa sau năm 2022, trước khi bình thường hóa về mức 14% năm 2023 với điểm mấu chốt vẫn là chi phí tín dụng.

Tuy nhiên, với các khoản dự phòng chưa hoàn nhập lớn đối với nợ cơ cấu, BID sẽ có một vùng đệm tăng trưởng vững chắc có thể gây bất ngờ trong trường hợp khách hàng phục hồi tốt (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn), tỷ lệ chuyển nhóm thấp ở nợ cơ cấu và hạ cánh mềm của kinh tế toàn cầu. Trong ngắn hạn, BIDV chưa có ý định hoàn nhập dự phòng.

Tăng trưởng tổng thu nhập được dự báo là 18% trong nửa cuối năm và 9% năm 2023, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và NIM ổn định trong khi thu nhập phí vẫn tiêu cực trong 6 tháng cuối năm (giảm 18% so với cùng kỳ).

Theo VDSC, kế hoạch tăng vốn gặp khó khăn từ đà điều chỉnh và các quy định của thị trường chứng khoán. Dù còn nhiều sự không chắc chắn, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua khả năng mở rộng bảng cân đối bền vững hơn. Nó sẽ hoạt động như một chất xúc tác mạnh mẽ hỗ trợ giá cổ phiếu khi tăng trưởng bình thường hóa vào năm 2023.

Chất lượng tài sản từng bước được cải thiện sau khi xử lý trái phiếu VAMC. Tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm từ nền cao xuống mức hiệu quả hơn, hỗ trợ NIM sau điều chỉnh rủi ro. Khả năng sinh lời và hiệu quả tổng thể sẽ được củng cố cũng như sức khỏe bảng cân đối nhờ vào tiềm năng tăng vốn, từ đó mang lại khả năng mở rộng tốt.


Đọc tiếp