Tăng trưởng tiêu thụ, các doanh nghiệp báo lãi đậm nhờ cá tra

Cá tra Việt nAM
15:28 - 30/10/2022
Tăng trưởng tiêu thụ, các doanh nghiệp báo lãi đậm nhờ cá tra
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ tăng sản lượng và giá bán, một số doanh nghiệp chăn nuôi, xuất khẩu cá tra báo lãi gấp nhiều lần trong 3 quý đầu năm 2022. Tuy nhiên, sự lạc quan này có còn tiếp diễn trong quý IV hay không vẫn còn là một dấu hỏi.

Do nhu cầu khan hiếm cá thịt trắng tại các thị trường và giá cá tra tăng trưởng tốt đã góp phần đẩy lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ tính riêng 2 quý đầu năm 2022, giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang Trung Quốc đã tăng 37%, Mỹ tăng 60%, các thị trường khác 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ vậy, tại báo cáo tài chính 3 quý đầu năm 2022, một số doanh nghiệp cá tra đã báo lãi gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) cho biết, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm đã tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 1.815 tỷ đồng. Riêng doanh thu bán cá tra, VHC đã thu về 8.316 tỷ đồng.

CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) trong 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhờ tăng sản lượng cá tra.

Doanh thu cá tra của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI (HoSE: IDI) cũng tăng lên 64% trong 9 tháng đầu năm 2022, góp phần quan trọng đẩy lãi ròng của IDI tăng lên gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 534 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm được coi là “trái ngọt” cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động. Tuy nhiên, sự lạc quan này có còn tiếp diễn trong quý IV hay không vẫn còn là một dấu hỏi, đặc biệt khi hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ vẫn đang phải đối diện với tình trạng đồng nội tệ giảm, lạm phát tăng cao…

Theo phân tích của VASEP đăng trên trang web hiệp hội ngày 28/10, mặc dù nhu cầu nhập khẩu cá tra của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất cao nhưng sự giảm giá của đồng NDT xuống mức thấp nhất 30 năm so với đồng USD cũng ảnh hưởng mạnh đến các nhà nhập khẩu, khiến họ cũng cầm chừng hơn khi mua hàng từ nước ngoài.

Tại thị trường Mỹ, tình hình giá cả tăng mạnh, VASEP dự báo sẽ có khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát và càng làm cho đồng USD biến động mạnh, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu (trong đó bao gồm xuất khẩu cá tra).

Còn theo báo cáo ngành thủy sản của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cuối tháng 9 vừa qua, nhiều nước có mức lạm phát cao đã khiến nhiều nhà nhập khẩu phải tạm dừng đơn hàng đến tháng 10. Dù vậy, VDSC vẫn kỳ vọng xuất khẩu cá tra trong quý IV sẽ dần cải thiện so với quý III khi chính sách Zero Covid của thị trường Trung Quốc đang dần nới lỏng đối với thực phẩm đông lạnh và đây cũng là mùa cao điểm xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ kỳ vọng sẽ khả quan hơn khi tồn kho giảm và nhu cầu nhập khẩu cuối năm tăng. Lạm phát ở Mỹ duy trì ở mức cao sẽ thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm thủy sản với giá phải chăng như cá tra.

Tin liên quan

Đọc tiếp