Tăng trưởng tốt trong quý 1, Bảo hiểm Quân đội tự tin với kế hoạch đề ra

MIC BẢO HIỂM
07:02 - 28/04/2023
Tăng trưởng tốt trong quý 1, Bảo hiểm Quân đội tự tin với kế hoạch đề ra
0:00 / 0:00
0:00
Quý 1/2023, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) ghi nhận tăng trưởng tốt, đặc biệt ở mảng doanh thu bảo hiểm và hoạt động kinh doanh tài chính, với mức tăng 14% và 12% so với cùng kỳ.

Quý 1/2023, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận doanh thu thuần đạt 938 tỷ đồng, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.187 tỷ đồng, đều tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 17% lên gần 797 tỷ đồng.

Công ty cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt tại mảng kinh doanh tài chính khi chứng kiến mức tăng tới 32% của doanh thu hoạt động tài chính, đạt 66 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính không đáng kể, đạt hơn 927 triệu đồng. Lợi nhuận của hoạt động tài chính đạt gần 65 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.

Quý 1/2023, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 86 tỷ đồng và 69 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Năm 2023, Bảo hiểm Quân đội đặt phương án tương đối tham vọng với tổng doanh thu tăng 17% so với thực hiện năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng tới 75%, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến khoảng 10%. Đến hết quý 1, công ty đã hoàn thành 21,2% kế hoạch doanh thu và 24,6% kế hoạch lợi nhuận.

Với kết quả này, tại ĐHĐCĐ ngày 20/4, lãnh đạo Bảo hiểm Quân đội đã khẳng định doanh nghiệp có căn cứ để tin tưởng công ty có thể hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2023.

Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm Quân đội đạt 8.705 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu kỳ. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh 48% xuống còn gần 48 tỷ đồng, khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 2.162 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%, khoản tài sản ngắn hạn khác giảm nhẹ 2% xuống còn 1.199 tỷ đồng.

Riêng với mảng đầu tư tài chính, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 8% lên 2.833 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi có kỳ hạn từ nửa năm đến 1 năm, đạt 1.797 tỷ đồng (chiếm 63%) và khoản ủy thác 899 tỷ đồng (chiếm 32%).

Đầu tư tài chính dài hạn tăng 7% lên 1.044 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 năm, đạt 724 tỷ đồng (chiếm 69%). Công ty còn có 137,5 tỷ đồng khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn và 150 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Đây là khoản đầu tư trái phiếu bất động sản của Phát Đạt và NovaLand.

Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của Bảo hiểm Quân đội đã tăng nhẹ từ 6.653 tỷ đồng lên 6.744 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ tăng 11 tỷ đồng lên 4.050 tỷ đồng, doanh thu hoa hồng chưa được hưởng giảm 19 tỷ đồng còn 1.169 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng tới 32% lên 615 tỷ đồng…

Để đạt được kết quả kinh doanh có phần tham vọng, Bảo hiểm Quân đội sẽ dành 100,5 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động mới trong năm 2023 cho việc đầu tư năng lực, giải pháp triển khai chiến lược, bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư tài sản khác và triển khai các sáng kiến chiến lược…

Chủ tịch Bảo hiểm Quân đội Uông Đông Hưng đánh giá chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của ngành và những giải pháp số hóa có thể thay đổi sự vận động của ngành bảo hiểm. Bảo hiểm Quân đội tin tưởng, việc đầu tư này sẽ tạo nền tảng vững chãi cho chiến lược 5 - 10 năm tới của công ty, giúp Bảo hiểm Quân đội nắm bắt cơ hội đi tắt đón trong xu hướng chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, Bảo hiểm Quân đội cũng có định hướng thu hút đối tác ngoại, mở ra cơ hội đầu tư mới đem đến giá trị gia tăng cho cổ đông. Theo công ty, việc có nhà đầu tư chiến lược sẽ giúp công ty nâng cao quy mô hoạt động, năng lực tài chính, thu hút vốn, nguồn lực đầu tư nâng cấp công nghệ thông tin, đa dạng hóa các sản phẩm cũng như kênh phân phối bán hàng...

Tin liên quan

Đọc tiếp