Tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán và trái phiếu phát triển ổn định

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
20:37 - 26/04/2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: HV
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: HV
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để vừa chấn chỉnh, thanh lọc, vừa tạo mọi điều kiện để thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, an toàn, minh bạch và bền vững. 

Thị trường giảm điểm do chịu nhiều tác động

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quý đầu năm 2022, thị trường chứng khoán cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định. Sau khi lập đỉnh mới, tính đến cuối quý I/2022, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Thị trường mới chịu áp lực điều chỉnh giảm và biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 25/4 tại 1.310,92 điểm, như vậy đã điều chỉnh giảm khoảng hơn 200 điểm so với cuối tháng 3.

Chốt ngày giao dịch 26/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.341,34 điểm, giảm gần 150 điểm so với cuối tháng 3.
Chốt ngày giao dịch 26/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.341,34 điểm, giảm gần 150 điểm so với cuối tháng 3.

Đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm. Cùng với đó, tình hình xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Điều đó đã tác động tới nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3, sau quá trình dài liên tục tăng. Sự điều chỉnh giảm điểm mạnh này cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới, chẳng hạn như trong phiên giảm mạnh (hơn 68 điểm) ngày 25/4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm.

"Gạn đục khơi trong" để chứng khoán phát triển

Phân tích về tác động một phần từ các hành động thanh lọc và xử lý nghiêm các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định rằng, các sự việc vừa qua chỉ là các sự vụ đơn lẻ, chỉ có tác động tới tâm lý của thị trường trong ngắn hạn. Đây là nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng nhằm thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Dù khó tránh khỏi những tác động tâm lý trong ngắn hạn, nhưng việc loại bỏ những hạt sạn sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn. Bởi mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững. Nên việc thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi", Bộ trưởng Phớc nói thêm.

Ông cũng nhấn mạnh, việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là nỗ lực để thị trường tăng trưởng minh bạch, bền vững hơn. Trong mọi quá trình phát triển, luôn cần những thay đổi, những bước chuyển để hoàn thiện hơn và với thị trường chứng khoán cũng vậy. "Chúng tôi nghĩ rằng, sau những chặng đường phát triển cũng cần những hành động để gạn đục, khơi trong", Bộ trưởng Tài chính nhận định.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, có thể hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.

Không hình sự hoá quan hệ dân sự kinh tế

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, tại hội nghị Phát triển thị trường vốn mới đây, không dưới 2 lần Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định và nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, làm ăn hiệu quả, chính đáng, minh bạch, làm giàu chính đáng cho mình, đóng góp cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "một cái ung nhọt dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm", Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho rằng, nếu chúng ta không làm quyết liệt, "con sâu làm rầu nồi canh" sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm cao để thực hiện giải pháp lành mạnh hóa thị trường, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, lợi ích chính đáng của các thành viên thị trường, của doanh nghiệp và cao nhất là vấn đề huy động vốn qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Chiều ngày 25/4, Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục có thêm buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng hai bộ. Tinh thần tại cuộc làm việc này là việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế một lần nữa đã được thống nhất cao, Bộ trưởng Phớc thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp