Tập trung vào 6 ngành chủ đạo để phát triển kinh tế biển bền vững

kinh tế biển Việt nAM
16:24 - 12/06/2022
Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.
Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, kinh tế biển, các vùng biển và ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước vì vậy cần tập trung phát triển các nhóm ngành kinh tế biển chủ đạo.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, ngày 12/6, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức "Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: "Việt Nam là quốc gia biển với hơn gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành ven biển, kinh tế biển đóng góp gần 60% tổng GDP của Việt Nam... Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng".

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn.

Vì vậy, để kinh tế biển phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông đề nghị các đại biểu, nhất là đại diện các địa phương tập trung đánh giá, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó tập trung vào phát triển 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Trong khi đó, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, cần tập trung vào 3 khâu đột phá đã nêu trong Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam gồm: Thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng để tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam.

Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Kinh tế biển, ven biển đã trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng 'ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn'

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân

Với góc nhìn của một địa phương ven biển, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho rằng, với chiều dài bờ biển hơn 3.200km, có 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cùng hơn 2.500 đảo lớn nhỏ, việc phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, ngày càng mở rộng về số lượng và chất lượng.

"Có thể nói, kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, thì vai trò và vị trí của kinh tế biển ngày càng quan trọng"

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương

Trong số những giá trị của kinh tế biển mang lại thì thủy hải sản đóng vai trò nổi bật. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thông tin: "Vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể".

Ngoài ra, vùng biển Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng hải sản với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như rong tảo, trai ngọc, tôm hùm, các loại cá biển, nhuyễn thể… Đây là nguồn cung thực phẩm dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu và dược liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển năm 2022 là cơ hội để các địa phương ven biển cùng với các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực để chia sẻ những kết quả đạt được, những hạn chế khó khăn, vướng mắc để cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp phát triển thời gian tới.

Tại Diễn đàn nhiều chuyên gia cũng thảo luận và đánh giá tiềm năng, hướng phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề xuất nhiệm vụ, xây dựng các cơ chế chính sách, định hướng, giải pháp thực hiện phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin liên quan

Đọc tiếp