Tàu ngũ cốc đầu tiên xuất cảng Ukraine bị Lebanon từ chối do giao hàng chậm

Lương thực ukraine
15:39 - 09/08/2022
Tàu Razoni - con tàu vận chuyển ngũ cốc Ukraine đầu tiên rời cảng Odessa hôm 1/8. Ảnh: Reuters
Tàu Razoni - con tàu vận chuyển ngũ cốc Ukraine đầu tiên rời cảng Odessa hôm 1/8. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/8, Đại sứ quán Ukraine tại Lebanon cho biết, tàu Razoni - con tàu vận chuyển ngũ cốc đầu tiên rời cảng Odessa hôm 1/8, đang tìm kiếm một cảng khác để dỡ hàng do đối tác ở Lebanon từ chối nhận hàng vì giao chậm trễ tới 5 tháng.

Reuters dẫn thông báo của Đại sứ quán Ukraine tại Lebanon: “Theo thông tin từ đơn vị vận chuyển ngũ cốc Ukraine trên tàu Razoni, người mua ở Lebanon đã từ chối nhận hàng do chậm trễ trong điều khoản giao hàng. Vì vậy, bên vận chuyển ngũ cốc đang tìm bên nhận hàng khác để dỡ hàng ở Lebanon, cảng Tripoli hoặc quốc gia, cảng nào khác”.

Tuần trước, con tàu Razoni mang cờ Sierra Leone rời cảng Odessa của Ukraine và vận chuyển theo 26.527 tấn ngô. Đây là chuyến hàng ngũ cốc đầu tiên được vận chuyển từ cảng Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra hồi cuối tháng 2.

Con tàu Razoni bị bên mua Lebanon từ chối nhận hàng vì giao chậm 5 tháng. Ảnh: Reuters

Con tàu Razoni bị bên mua Lebanon từ chối nhận hàng vì giao chậm 5 tháng. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của hãng theo dõi tàu Refinitiv, con tàu này dự kiến ​​đến Lebanon vào ngày 7/8. Tuy nhiên, nó đã thay đổi điểm đến thành cảng Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ và đang neo đậu ngoài khơi bờ biển phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, trong ngày 8/8, có thêm 2 tàu chở ngô và đậu nành khởi hành từ các cảng Biển Đen của Ukraine, nâng tổng số tàu xuất khẩu ngũ cốc lên 10. Trong đó, khoảng 243.000 tấn ngô Ukraine được 7 tàu vận chuyển. Các tàu khác chở 11.000 tấn đậu nành, 6.000 tấn dầu hướng dương và 45.000 tấn bột hướng dương.

Đoàn kiểm tra của Trung tâm điều phối chung (JCC) gồm các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc lên con tàu Fulmar S để kiểm tra. Ảnh: Reuters
Đoàn kiểm tra của ­­Trung tâm điều phối chung (JCC) gồm các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc lên con tàu Fulmar S để kiểm tra. Ảnh: Reuters

Trước khi chiến sự nổ ra, Nga và Ukraine là hai quốc gia chiếm 1/3 sản lượng lúa mì xuất khẩu ra thế giới. Theo ước tính, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc từ mùa vụ năm ngoái của Ukraine vẫn đang bị mắc kẹt trong nước và chờ đợi xuất khẩu. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc đã nhiều lần cảnh báo về khả năng bùng phát nạn đói do việc vận chuyển ngũ cốc bị đình trệ.

Hôm 22/7, Kiev và Moscow đã ký kết một thỏa thuận dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm bảo đảm việc đi lại an toàn cho các tàu chở ngũ cốc rời khỏi 3 cảng miền nam Ukraine (gồm Odessa, Yuzhny và Chernomorsk). Nga cũng sẽ được tạo điều kiện thông tuyến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón ra thế giới. Động thái này này mở ra hy vọng mới cho tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

Theo thỏa thuận, các quan chức Ukraine sẽ hướng dẫn các tàu chở ngũ cốc xuất khẩu đi theo các tuyến đường an toàn qua các khu vực rải thủy lôi tại 3 cảng biển của nước này. Sau đó, các tàu sẽ rời khỏi lãnh hải Ukraine tại biển Đen và đi qua eo biển Bosphorus để tới một cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi chúng sẽ được Trung tâm điều phối chung ở Istanbul kiểm tra.

­­Trung tâm điều phối chung (JCC) gồm các đại diện của Nga, Ukraine, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trên các tàu chở hàng, ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí hoặc những vật dụng có thể được dùng để tấn công, cũng như tránh những hành động khiêu khích. Sau quá trình này, các con tàu có thể tiếp tục hành trình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.