Techcombank: CASA giảm do khách hàng chuyển dịch đầu tư

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:04 - 26/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo lãnh đạo Techcombank, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng này giảm mạnh trong quý II/2022 là do khách hàng có xu hướng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư các khoản như bất động sản hay chứng khoán, sản xuất kinh doanh.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) ghi nhận, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tại nhà băng đã giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý I/2022.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp tại ngân hàng Techcombank cho biết tại buổi “Gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022”, là do xu hướng sau khi hết đại dịch, khách hàng chuyển từ nắm giữ tiền mặt sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng nhu cầu về tiêu dùng cá nhân.

Theo ông Hà, trước rủi ro lạm phát, nhiều khách hàng có thu nhập cao sẽ chuyển hướng mua bất động sản để tránh giảm giá trị đồng tiền, điều này dẫn đến số dư CASA của khách hàng cá nhân giảm.

"Ngân hàng đang theo dõi chặt chẽ xu hướng này và tích cực đầu tư vào các giải pháp số hoá để thu hút nhiều khách hàng sử dụng Techcombank hơn, từ đó tăng trưởng CASA trong trung dài hạn," Giám đốc Tài chính Doanh nghiệp Techcombank chia sẻ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Techcombank, dựa theo các phân tích dữ liệu, tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời. Với sự am hiểu về các dòng tiền vào ra, ngân hàng đã đưa ra những hành động ngay lập tức và dự kiến sẽ đạt được chỉ số 50% về tỷ lệ CASA vào cuối năm nay.

Ngoài ra, một điểm thu hút tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là nhờ giao dịch thuận tiện, ổn định, nhanh chóng, không mất phí, do đó lãnh đạo Techcombank cho biết đang tập trung việc nâng cao số hoá dữ liệu điện toán đám mây để đảm bảo dịch vụ ổn định, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đặc biệt, Techcombank là ngân hàng mạnh về hệ sinh thái, các khách hàng chuyển tiền lẫn nhau trong ngân hàng giúp cho tiền thực chất không đi ra khỏi ngân hàng. Đây cũng là một lợi thế của Techcombank.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ các chuyên gia ngày 22/7, Tổng Giám đốc ngân hàng Techcombank - ông Jens Lottnerb cho biết, thực tế sự sụt giảm CASA là một xu hướng chung của toàn ngành ngân hàng Việt Nam.

Techcombank cũng chịu tác động bởi việc khách hàng chuyển sang những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hoặc xoay vòng vốn đầu tư các kênh tài sản khác thay vì gửi tiền ngân hàng - điều này làm cho tỷ lệ CASA giảm xuống.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp nhỏ cũng rút tiền ra để đầu tư cho hoạt động kinh doanh của mình và mở rộng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp khó vay vốn từ các tổ chức tài chính khác, do đó họ rút những khoản tiền đã gửi từ Techcombank từ trước để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Jens Lottner khẳng định Techcombank cũng không bị ảnh hưởng bởi vấn đề CASA sụt giảm trong quý vừa qua và ngân hàng cũng hiểu được lý do đã lý giải ở trên.

Về chi phí tín dụng, cũng trong quý II, chi phí tín dụng tại nhà băng đã giảm xuống 0,4% trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,7% xuống mức 0,6%. Cùng với đó chi phí dự phòng tại Techcombank cũng giảm xuống còn 56,1% so với cùng kỳ năm 2021, nguyên nhân do tình hình tài chính của nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi, dẫn đến một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập. Điều này cũng được thể hiện khi dư nợ tái cơ cấu tại Techcombank tiếp tục giảm về mức 500 tỷ.

Ngoài ra, khoản dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% danh mục tín dụng của Ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 20,8% so với cuối quý II năm 2021, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 7,0%, đạt 166,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,7% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng. Tỷ trọng này giảm đáng kể so với mức 49,0% tại quý II/2021 và mức 45,6% của quý I/2022.

Theo lý giải của lãnh đạo Techcombank, chi phí dự phòng và dư nợ tái cơ cấu giảm đã thể hiện sự lựa chọn khách hàng đúng đắn của nhà băng. Theo đó, chiến lược của ngân hàng là tập trung vào các khách hàng là doanh nghiệp hàng đầu hoặc các khách hàng cá nhân có thu nhập cao và vừa.

Về triển vọng kinh doanh trong năm 2022, ông Hà cho biết, tăng trưởng tín dụng tại Techcombank sẽ phụ thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước tới đây có cấp thêm hạn mức tín dụng, và đây cũng là kỳ vọng của ngân hàng trong quý III này.

Đồng ý kiến với Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp, ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc thường trực Techcombank cho biết, 6 tháng đầu năm Techcombank đã sử dụng hết hạn mức tăng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao cho.

"Techcombank thường nằm trong nhóm được cấp room tín dụng cao do chúng tôi có sức khoẻ tài chính tốt ở tất cả các khía cạnh như CAR, chất lượng tài sản cũng như nền tảng quản trị rủi ro tốt mà chúng tôi xây dựng được những năm qua," ông Hưng nhận định.

Đọc tiếp