Thách thức môi trường chờ đợi Thổ Nhĩ Kỳ trong khắc phục động đất

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ
08:48 - 03/03/2023
0:00 / 0:00
0:00
Sau trận động đất kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một nhiệm vụ khổng lồ là xử lý hàng trăm triệu tấn gạch đá vụn có nhiều nguy cơ gây hại tới môi trường.

Theo số liệu thống kê từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất mạnh 7.8 độ Richter sớm ngày 6/2 cùng các dư chấn của nó đã khiến ít nhất 156.000 tòa nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hại đến mức cần phải phá dỡ. Toàn bộ các thành phố trong những khu vực bị ảnh hưởng hiện chỉ còn là bê tông và thép đổ nát.

Trong bối cảnh đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra ước tính nước này sẽ cần xử lý khoảng 116-210 triệu tấn gạch vụn. Chỗ rác thải xây dựng này tương đương với diện tích 100 km vuông và cao 1m nếu được xếp chồng lên nhau. Reuters cho biết diện tích này lớn tương đương với Barcelona - thành phố lớn thứ 2 tại Tây Ban Nha.

Đại diện thường trú của UNDP Louisa Vinton còn đưa ra nhận định phạm vi của đống đổ nát “gần như vượt quá tầm hiểu biết" khi thảm họa động đất lần này đã tạo ra ít nhất là gấp 10 lần số lượng gạch vụn so với trận động đất lớn cuối cùng ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999.

Trong khoảng thời gian gần đây tại nhiều thành phố ở quốc gia này, khung cảnh thường xuyên được nhìn thấy nhất chính là hình ảnh hàng ngàn xe tải và máy xúc đào bới và xử lý hàng núi bê tông cũng như gạch vụn thay cho hình ảnh các đội tìm kiếm cứu hộ cùng chó nghiệp vụ.

Tuy nhiên, phần lớn các đống đổ nát đã được dọn dẹp cho đến nay được lưu trữ tại các bãi rác tạm thời gần đó và việc này gây ra lo ngại về ô nhiễm môi trường. Thậm chí, có những người quan ngại rằng vật liệu xây dựng cũ có thể chứa asbestos, một loại sợi gây ung thư bị cấm ở nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Để giải quyết các lo ngại này, Thứ trưởng Bộ Môi trường Mehmet Emin Birpinar cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng các hệ thống khử bụi để ngăn chặn các chất độc hại như asbestos lưu thông.

Ngoài ra, ông cũng cho biết trên Twitter hồi cuối tuần trước rằng các khu vực được chọn để xử lý rác thải ở Hatay cách xa khu vực nông nghiệp và dân cư, cũng như vùng đất ngập nước và khu vực được bảo vệ. Cho đến nay, 19 địa điểm tạm thời đã được xác định ở Hatay, với tổng diện tích bằng 200 sân bóng đá. Có khoảng 150.000 mét khối gạch vụn đã được di chuyển mỗi ngày.

Nhiều thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn là đống gạch vụn. Ảnh: Reuters

Nhiều thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn là đống gạch vụn. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, các ghi nhận trên hiện trường của Reuters cho thấy có một số xe phun nước lên các mảnh vỡ để tránh bụi khi chúng được dọn dẹp tại những thành phố bao gồm Antakya và Osmaniye. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, biện pháp này không được thực hiện.

Ngoài ra, bài phỏng vấn của hãng tin này với những người trực tiếp làm công việc dọn dẹp ở Antakya - một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất - cho thấy vị trí của các bãi rác được lựa chọn dựa trên tiêu chí gần và thuận tiện.

Theo ông Altan Arslan, 51 tuổi, chủ sở hữu một nhà máy sản xuất gạch và xi măng lát vỉa hè tại Antakya, ông đã hiến đất của mình cho chính phủ để sử dụng làm nơi chứa gạch vụn sau trận động đất.

Ông cho biết hàng ngày, hàng nghìn xe tải tới đổ các đống rác thải xây dựng và chúng dần tích tụ thành nhiều đống lớn. Máy ủi sau đó sẽ san phẳng mọi thứ và đẩy nó về phía một vách đá, khiến một số mảnh vụn rơi xuống thung lũng và tạo ra những đám mây bụi lớn.

Việc này không nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia, trong đó bao gồm ông Ahmet Kahraman, Chủ tịch Phòng Kỹ sư Môi trường Thổ Nhĩ Kỳ, Ông cho biết nơi tập kết các mảnh vụn từ các công trình cần được "nghiên cứu tỉ mỉ" bởi các chuyên gia địa chất và môi trường.

Nguyên nhân là do việc dọn dẹp các đống đổ nát không đúng cách hoàn toàn có thể dẫn tới các thảm họa sinh thái. Một số nhà hoạt động môi trường và chính trị gia đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ, ví dụ như ông Gokhan Gunaydin, thuộc đảng đối lập CHP, cảnh báo: “Việc đổ rác thải xây dựng trong thành phố, vườn olive và lòng suối mà không tái chế sẽ gây ra những thảm họa môi trường mới”.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.