Thâm nhập thị trường nông sản 120 tỷ USD của EU thông qua chế biến

Nông Sản eu
15:23 - 07/07/2022
Trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%. Ảnh: BLĐ
Trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%. Ảnh: BLĐ
0:00 / 0:00
0:00
Mỗi năm, thị trường EU nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu mới chỉ chiếm rất nhỏ, đạt khoảng 190 triệu USD.

EU là thị trường xuất khẩu nông sản nhiều tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi. Tuy nhiên, rau, củ, quả Việt Nam thâm nhập vào thị trường này còn khó khăn với tỷ trọng sản phẩm chế biến ở mức thấp.

Thông tin về thị trường EU tới các doanh nghiệp tại diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” ngày 7/7, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu, nhiều lần nhấn mạnh đây là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu, trong tất cả nhóm hàng, rau củ quả là nhóm có dư địa lớn nhất.

“Mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Nhưng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu”, ông Trần Văn Công thông tin.

Theo đó, trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn). Người tiêu dùng châu Âu cũng đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu

“Mặc dù có điều kiện tiếp cận dễ dàng nhưng thị trường EU có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang EU là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm”.

“Vừa qua, các doanh nghiệp quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường châu Âu. Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon”, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu lưu ý.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu rau củ quả tại thị trường châu Âu, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty International Fresh Group chia sẻ tại diễn đàn cho biết, hiện tại sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%. Theo ông đây là một điều rất đáng tiếc.

Theo ông Khang, những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.

“Do đó, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp”, ông Khang bày tỏ mong muốn.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong chế biến, bảo quản rau quả

Thông tin về các nút thắt trong chế biến nông sản, ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra (nguyên liệu mới đáp ứng 50 - 60% công suất chế biến). Nguyên nhân là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa vụ (2 - 3 tháng/năm).

Bên cạnh đó, chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng...). Một số loại rau quả giá thành còn cao.

Về nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả, ông Tú cho biết, các doanh nghiệp còn thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

Về thị trường tiêu thụ, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp. Cùng với thói quen tiêu dùng sử dụng rau quả tươi, đặc biệt khu vực nông thôn, người thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, quy mô công nghiệp ngành chế biến rau quả, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản (nằm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) đóng góp 17% GDP cả nước, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Hiện nay, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang các thị trường khác vẫn gặp nhiều rào cản: quy định ngặt nghèo về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, thuế, điều kiện lao động, môi trường, truy suất nguồn gốc, chi phí logistics cao chiếm từ 35 - 50% giá xuất, giá bán cao khó cạnh tranh và chưa phù hợp với thu nhập người dân.

Về cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Nguồn lực triển khai chính sách hạn chế, lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trên cơ sở đó, ông Tú đề xuất giải pháp tháo gỡ bằng việc tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.

“Trong thời gian tới, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả. Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường sản phẩm chế biến, tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án phát triển ngành chế biến rau”, ông Tú đề xuất.

Là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chế biến nông sản, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vào mũi nhọn rau, quả đang được quan tâm.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

“Khi vươn mình sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu vào các thị trường xa, yêu cầu cao như EU, Mỹ... hơn lúc nào hết mũi nhọn này cần được tiếp tục đẩy mạnh. Hiện nay, Việt Nam có 153 cơ sở chế biến rau, củ, quả, trong khi phải giải quyết 28 triệu tấn sản phẩm rau củ quả/năm, đây là điều không hề đơn giản”.

Bên cạnh đó, ông Toản cũng lưu ý, việc quản trị giá thành sản phẩm, thực tiễn cho thấy nếu muốn vươn tới kinh tế nông nghiệp thì từ khâu sản xuất, chế biến phải xác định được cấu trúc, giá thành sản phẩm. Nếu không xác định được vấn đề này từ gốc thì biên độ lợi nhuận sẽ không rõ ràng, trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển đang ở mức rất cao.

Về rào cản của thị trường, ông Toản cũng cho rằng, phải nắm rõ lợi thế của từng thị trường, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin từ thị trường. Từ đó, nhận thức đúng, đưa ra phương pháp đúng và hành động đúng trong thực tiễn.

Một yếu tố quan trọng khác là kích hoạt thị trường tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm rau, củ, quả chế biến, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị bền vững, phân tuyến tiêu thụ ngay từ địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc hấp thụ chính sách vào thực tiễn: Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện để các đối tượng này được tiếp cận thuận lợi. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, một trong những chính sách cần được quan tâm là chính sách về giá điện theo vùng miền... Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp