Tham vọng khả thi của Việt Nam trong hiện thực hóa mục tiêu COP26

COP26 Việt nAM
17:34 - 26/04/2022
Tham vọng khả thi của Việt Nam trong hiện thực hóa mục tiêu COP26
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam tiếp tục phát đi thông điệp mạnh mẽ về COP26 thông qua một dự thảo chiến lược mới tầm nhìn đến năm 2050. Các chuyên gia quốc tế đánh giá đó là một chiến lược đầy tham vọng nhưng có đủ căn cứ thực hiện.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng với mục tiêu tích cực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; đưa phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đồng thời, dự thảo tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các nỗ lực quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo tại hội thảo “Tham vấn dự thảo chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, ngày 26/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Việt Nam đã tập trung xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26 và thực hiện các yêu cầu của Thỏa thuận Paris.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

“Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 phản ánh sự chuyển đổi về chất trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thể hiện lộ trình để hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050”.

Đánh giá về bản dự thảo của Việt Nam, ông Weert Borner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26 cho thấy Việt Nam đang tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Weert Borner, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đức tại Việt Nam

“Dự thảo Chiến lược mới cho thấy mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và gặp nhiều thách thức nhưng cũng đầy tính khả thi. Dự thảo đóng góp một phần cực kỳ quan trọng vào cuộc tranh luận quốc gia về cam kết phát thải ròng bằng “0” và những cuộc tranh luận này vẫn cần được tiếp tục sau khi Chiến lược được phê duyệt vào năm 2022 bởi Thủ tướng Chính phủ”.

“Chính phủ Đức quyết tâm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng “0” theo hướng công bằng và bền vững”, ông Weert Borner cam kết.

Những cam kết mạnh mẽ và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, UNDP hy vọng Chiến lược dài hạn về biến đổi khí hậu sẽ tạo nền tảng rộng rãi và vững chắc cho các kế hoạch và chính sách khí hậu quan trọng khác, chẳng hạn như Kế hoạch phát triển điện số VIII (PDP8) và Kế hoạch tổng thể về Phát triển năng lượng, cập nhật các đóng góp do Quốc gia xác định (NDC), Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP) và Chiến lược Tăng trưởng Xanh.

“Điều quan trọng không kém là thiết lập lộ trình chuyển đổi xanh và công bằng và có các cơ chế chính sách minh bạch để theo dõi các dòng tài chính công và tư nhân hỗ trợ thực hiện các dự án và chương trình đầu tư xanh”, bà Caitlin Wiesen khuyến nghị.

Gỡ nút thắt “cổ chai” huy động hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân

Đưa ra ý kiến tham vấn về Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đại diện Liên minh đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á bày tỏ sự tán thưởng khi Việt Nam đã đặt những trọng tâm liên quan đến vai trò của chuyển đổi năng lượng trong giảm phát thải khí nhà kính với 47 giải pháp khác nhau.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần tính toán kỹ hơn các lựa chọn để tìm ra phương án tốt nhất và xây dựng lộ trình. Lựa chọn tốt nhất sẽ xảy ra khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao nhất: tăng điện mặt trời/điện gió, giảm điện than, đảm bảo sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng giao thông điện… và có cách thức triển khai cụ thể.

Liên minh đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á khuyến nghị Việt Nam cần làm rõ cụ thể các chương trình chuyển đổi năng lượng là gì? Quá trình tiến hành ra sao và vai trò Nhà nước trong chương trình như thế nào.

Bên cạnh đó, về thị trường carbon, định giá carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhấn mạnh hơn nữa các kế hoạch dỡ bỏ rào cản đầu tư cho năng lượng tái tạo, tạo cơ chế mở cửa hơn cho khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình này, huy động được tối đa nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân.

Cùng ý kiến đó, ông Muthukumara Mani, Chuyên gia trưởng về biến đổi khí hậu và kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng cho biết, World Bank đang xây dựng báo cáo chẩn đoán tăng trưởng mới của Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam cần cân bằng khả năng chống chịu cho cộng đồng và yêu cầu khử carbon cho các ngành sản xuất khác nhau, đặc biệt là những vùng dễ tổn thương như Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ảnh tác giả

“Để làm được điều này, Việt Nam cần huy động nguồn lực tài chính. Chính phủ nên có giải pháp tháo gỡ các nút thắt 'cổ chai' cho phép sự tham gia nhiều hơn nữa và làm rõ vai trò của khu vực tư nhân".

Ông Muthukumara Mani, Ngân hàng Thế giới

Khi các ngành nông nghiệp, giao thông, năng lượng… bước vào công cuộc khử carbon sẽ đòi hỏi những đầu tư lớn về các công cụ định giá carbon cho tương lai. Với việc triển khai các chương trình khác nhau, Chính phủ có thể tính đến phương án phân tích và bù đắp nhất định với các ngành sản xuất xanh.

"Chi phí chuyển đổi đòi hỏi Việt Nam cần có các chương trình, cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia triển khai các hoạt động khác nhau để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050”, Chuyên gia trưởng của World Bank khuyến nghị.

Các nhiệm vụ và giải pháp của Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050:

Về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững bao gồm. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Về giảm phát thải khí nhà kính: bao gồm các nhiệm vụ chung và giảm phát thải khí nhà kính theo các lĩnh vực cụ thể gồm: năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất; chất thải; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp.

Về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu: tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu trước năm 2030; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ngoại giao khí hậu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp