Tham vọng xây tòa nhà chọc trời dài 120 km của Arab Saudi

công trình Saudi Arabia
07:45 - 29/07/2022
Với tham vọng tạo ra một cấu trúc lớn chưa từng có trên thế giới, Arab Saudi đang có kế hoạch xây dựng một tòa nhà chọc trời khổng lồ kéo dài tới 120km, với số vốn ước tính khoảng 1.000 tỷ USD.

Theo Wall Street Journal, vương quốc sa mạc này đã chuẩn bị sẵn sàng cho bản thiết kế tòa nhà chọc trời được mệnh danh là “Đường Gương”. Công trình này cũng đồng thời là một phần của dự án Thành phố NEOM đầy tham vọng trên Biển Đỏ, phía tây bắc Arab Saudi kéo dài 170km.

Báo cáo cũng dẫn lời các quan chức cho biết ý tưởng về công trình ấn tượng này được đưa ra sau khi Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman yêu cầu các quan chức phát triển một cấu trúc đầy tham vọng như các kim tự tháp của Ai Cập. Dù ông mong muốn nó có thể hoàn thành vào năm 2030, nhiều kĩ sư nói rằng công trình này có thể tốn tới 50 năm để xây dựng xong.

Video giới thiệu về dự án thành phố NEOM. Nguồn: NEOM/Twitter

Các tài liệu ban đầu mà Wall Street Journal có được tiết lộ cấu trúc dự kiến sẽ bao gồm 2 tòa nhà phản chiếu bằng kính cao tới hơn 480m. Cái tên “Đường Gương” của công trình này cũng cho thấy nó sẽ bao gồm 2 tòa nhà lắp gương phản chiếu.

Điều đáng chú ý hơn nữa là 2 tòa nhà sẽ cùng chạy song song với nhau với chiều dài 120,7 km, trên địa hình trải dài từ bờ biển tới núi và sa mạc. Tổng chi phí của dự án sẽ rơi vào khoảng 1.000 tỷ USD và sẽ có khoảng 5 triệu người sinh sống trong công trình này khi nó được xây dựng hoàn chỉnh.

Công trình sẽ bao gồm 2 tòa nhà chọc trời chạy song song với nhau. Ảnh: NEOM

Công trình sẽ bao gồm 2 tòa nhà chọc trời chạy song song với nhau. Ảnh: NEOM

Để tiện cho việc đi lại, phía bên dưới các tòa nhà cũng sẽ có tàu cao tốc do nó được quy hoạch để không có ô tô và không gây ô nhiễm từ phát thải của các phương tiện giao thông.

Các công trình cho người dân sẽ gồm nhiều khách sạn và nhà ở. Ngoài ra để tận dụng, việc canh tác trồng rau sẽ được thực hiện thẳng đứng và tích hợp vào tường của các tòa nhà. Sau đó, rau sẽ được thu hoạch và chuyển tới căng tin công cộng, hay bếp ăn chung theo phương pháp tự cung tự cấp. Toàn bộ năng lượng để vận hành cấu trúc khổng lồ này cũng sẽ được lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Hình ảnh mô phỏng bên trong công trình. Ảnh: NEOM

Hình ảnh mô phỏng bên trong công trình. Ảnh: NEOM

Công trình cũng sẽ bao gồm một sân vận động thể thao cách mặt đất khoảng 300m, cùng một bến đỗ cho du thuyền bên dưới một mái vòm trong 2 tòa nhà. Thêm vào đó do độ dài ấn tượng, công trình này sẽ được đặt trên các giá đỡ có tính toán tới cả độ cong của Trái Đất.

Thông tin từ Wall Street Journal cũng cho biết, công ty thiết kế Morphosis Architects có trụ sở tại Mỹ sẽ tham gia vào quá trình thực hiện công trình đầy tham vọng này cùng sự tham gia của ít nhất 9 nhà tư vấn thiết kế và kỹ thuật khác.

Công trình này được thiết kế để đạt tới trạng thái trung hòa carbon và thân thiện với môi trường địa phương. Ảnh: NEOM

Công trình này được thiết kế để đạt tới trạng thái trung hòa carbon và thân thiện với môi trường địa phương. Ảnh: NEOM

Với sự ra đời của công trình này, Thái tử Arab Saudi hy vọng nó sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm và giúp cho quốc gia này bớt phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để tích lũy của cải hơn.

Tuy điểm nhấn của công trình này được Thái tử khẳng định nằm ở việc hòa hợp với môi trường địa phương và đạt trạng thái trung hòa carbon, nhiều nhà quy hoạch môi trường lại có ý kiến trái chiều. Những chuyên gia này cho rằng chỉ riêng kích thước và chiều dài ấn tượng của công trình này sẽ gây ra gián đoạn với mô hình di cư của các loài chim. Hơn nữa, nó cũng có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới đường nước ngầm dưới lòng đất.

Công trình này cũng nhận phải ý kiến trái chiều khi cho rằng nó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường. Ảnh: NEOM

Công trình này cũng nhận phải ý kiến trái chiều khi cho rằng nó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường. Ảnh: NEOM

Đọc tiếp