Thanh khoản lại teo tóp, bộ ba nhà Vingroup giữ chỉ số khỏi giảm sâu

VIC VinGroup
15:54 - 25/07/2022
Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số. Vietstock
Cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số. Vietstock
0:00 / 0:00
0:00
Tuần mới khởi đầu không được thuận lợi khi VN-Index giảm điểm, kèm theo đó là thanh khoản teo tóp. Ngoài sự hợp lực của bộ ba nhà Vingroup để chỉ số không giảm sâu thì không có nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường.

Kết phiên, VN-Index giảm hơn 6 điểm, về mốc 1.188,50. HNX-Index cũng giảm 3,5 điểm, còn UPCoM giảm 0,5 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 11.864 tỷ đồng, thấp hơn hẳn so với những phiên tuần trước. Điểm sáng le lói là khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 150 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.500 tỷ đồng giao dịch. Riêng FPT được mua ròng hơn 83 tỷ đồng, MWG, LPB, SSI, GEX, DGC, VNM… cũng được mua nhiều. Ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 57 tỷ đồng, tiếp sau là DPM, VHM, SAB, STB, DCM…

VN30 hôm nay cũng giảm hơn 6 điểm, đa số các mã đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó, GAS, GVR, SSI, TPB là những mã giảm mạnh nhất từ 2-3%. May mắn là sự trụ vững của VIC khi tăng 1,2% giúp chỉ số không bị giảm sâu. VHM, VRE, VCB, VNM, VJC, PDR, MSN, FPT cũng đóng góp cho chiều tăng của VN-Index.

VIC của Tập đoàn Vingroup hiện đã lùi về mức giá 67.000 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018. Một tháng qua, dù thị trường đã hồi phục nhưng mã này vẫn chưa cho thấy dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại. Vingroup đang tập trung cho sản xuất xe điện.

Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải của Chính phủ mới đây được cho là sẽ mang lại cơ hội cho tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Nhiều chuyên gia phân tích cũng nhận định với tiềm lực và quy mô doanh nghiệp, VIC đã lùi về vùng giá hấp dẫn để đầu tư dài hạn.

Diễn biễn cổ phiếu VIC thời gian qua. TradingView

Diễn biễn cổ phiếu VIC thời gian qua. TradingView

Xét về nhóm ngành thì nông nghiệp là nhóm tăng mạnh nhất với tỷ lệ +4,1% vốn hóa. Bộ đôi HAG và HNG sau nhiều phiên nằm sàn, giảm giá mạnh vì bị chốt lời thì đã xanh trở lại. HNG tăng 6,7% còn HAG +5,1%. Ngoài ra, một số mã nông nghiệp khác như VIF, BAF, NSC, APC cũng ở chiều tăng.

Các nhóm bất động sản, công nghệ thông tin ghi nhận tăng nhẹ nhờ lực kéo từ các mã lớn như VIC, VHM, BCM, PDR, FPT… Các nhóm còn lại đều giảm giá, trong đó dầu khí “rơi” mạnh nhất. BSR, OIL, PVC, PVD, PVS đều giảm hơn 4%.

Trong phiên sáng 25/7, giá dầu châu Á đảo chiều đà tăng trước đó, do lo ngại lãi suất tăng tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, làm hạn chế mức tăng nhu cầu nhiên liệu. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2022 giảm 48 xu Mỹ (0,5%) xuống 102,72 USD/thùng, giảm phiên thứ tư. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2022 giảm 65 xu Mỹ (0,7%) xuống 94,05 USD/thùng, cũng ghi nhận phiên giảm thứ tư. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu dầu khí bị rút tiền.

Dù VN-Index gần đây có diễn biến khả quan hơn nhưng trong giai đoạn thị trường bị chi phối bởi nhiều yếu tố bất định, dòng tiền vẫn thận trọng. Nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ bên kia bờ Thái Bình Dương với cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào thứ Ba và thứ Tư tuần này.

Nếu Fed tăng 0,75% như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư và giới phân tích, thị trường sẽ không chịu tác động nhiều, còn nếu mức tăng 1%, nhiều khả năng sẽ gây tác động tiêu cực tới các thị trường tài chính toàn cầu. Trong đó, các thị trường mới nổi châu Á có thể đối diện với làn sóng rút vốn mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.