Thanh khoản sụt mạnh khiến VN-Index hụt hơi, cổ phiếu bán lẻ trở lại đường đua

MWG VN INDEX
16:11 - 12/09/2022
Nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng giá mạnh. MBS
Nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng giá mạnh. MBS
0:00 / 0:00
0:00
Sau phiên sáng hưng phấn, VN-Index đã hụt hơi đi lên trong phiên chiều khi dòng tiền nhập cuộc yếu ớt. Nhờ sự bứt phá của VHM và MWG, chỉ số mới thoát khỏi chiều giảm trong gang tấc.

VN-Index phiên sáng có thời điểm tăng gần 10 điểm. Nhưng lực mua yếu ớt vào phiên chiều đã khiến chỉ số nhanh chóng đi xuống, kết phiên ở mốc 1.249,62 điểm, tăng nhẹ 0,8 điểm so với kết phiên thứ Sáu tuần trước. HNX-Index thì giao dịch tiêu cực từ cuối phiên sáng, kết phiên giảm 1,5 điểm. UPCoM cũng giảm 0,39 điểm.

Hôm nay là ngày đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ nhưng thanh khoản lại yếu hơn hẳn mức trung bình những tháng qua. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn chỉ đạt 11.396 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm 1.300 tỷ đồng. Họ mua ròng gần 180 tỷ đồng. Hai mã được mua nhiều hơn 70 tỷ đồng là PVD và HPG. Tiếp theo là DGC, VRE, NLG, HAG, CTG…

Ngược lại, GEX và VNM là 2 mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 20 tỷ đồng. SAB, TCH, STB, SSI, BID… cũng nằm trong danh sách bị bán ròng.

Xét về mức độ đóng góp thì VHM của Vinhomes là mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số khi tăng 2,5%, qua đó đóng góp 1,6 điểm cho chiều tăng của VN-Index. MWG của Thế giới Di động xếp thứ 2 với tỷ lệ +2,8%. Ngoài ra, trong nhóm vốn hóa lớn còn có CTG, FPT, KDH, PDR, PLX, POW, SAB, VCB, VRE cũng kết phiên trong sắc xanh. Trong khi đó, STB là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất khi giảm 2,7%. SSI, GVR, ACB cũng giảm 1-2%.

Xét về nhóm ngành thì nông nghiệp dẫn đầu chiều tăng với tỷ lệ vốn hóa toàn nhóm +2,1%. HAG +3,2%, HNG +2,8%, ASM +2,8%, NSC +1,1%, BAF +0,4%... Tiếp theo chính là nhóm bán lẻ với sự dẫn dắt của các cổ phiếu bán lẻ công nghệ như MWG, FRT +4,2%, DGW +5,7%...

Các cổ phiếu bán lẻ đều đã tăng hàng chục % trong vòng 2 tháng trở lại đây, tuy nhiên vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất sau nhịp điều chỉnh sâu trước đó.

VN-Index giảm nhiệt vào cuối phiên sau.

VN-Index giảm nhiệt vào cuối phiên sau.

Các cổ phiếu bán lẻ sản phẩm công nghệ giảm mạnh từ nửa sau tháng 6 phần nào phản ánh trước kết quả kinh doanh quý 2 không được như kỳ vọng do là mùa thấp điểm. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động (MWG) và Petrosetco (PET) đều giảm lần lượt 7% và 58% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Digiworld (DGW) và FPT Retail (FRT) vẫn tăng trưởng dương 17% và 55% nhưng tốc độ đã chậm hơn nhiều so với mức tăng bằng lần vào quý trước.

Nhịp hồi phục tích cực thời gian gần đây của các cổ phiếu bán lẻ nhiều khả năng đến từ kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong nửa cuối năm, sau mùa cao điểm máy tính xách tay khi học sinh, sinh viên vào năm học mới. Ngoài ra, mẫu iPhone 14 vừa ra mắt cũng là một trong những sản phẩm chủ chốt giúp các cửa hàng gia tăng doanh số trong thời gian tới.

Ngoài nhóm nông nghiệp, bán lẻ, các nhóm dầu khí, công nghệ thông tin, bất động sản, thép cũng ở chiều tăng giá nhẹ. Ngược lại, chứng khoán là nhóm nặng nhất kéo chỉ số đi xuống. Mặc dù có DSC tăng trần và một số mã nhỏ tăng mạnh nhưng vốn hóa toàn nhóm vẫn giảm hơn 1,2%. Các mã lớn như SSI, VND, VCI, HCM, VIX… đều giảm giá.

Sau khi quy trình giao dịch T+2 và lô lẻ được áp dụng, nhóm chứng khoán được cho là không còn thông tin để kỳ vọng. Số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 8 đã xuống thấp nhất kể từ tháng 11/2021, với hơn 152.000 tài khoản. Tháng 7, tài khoản chứng khoán mở mới đã sụt giảm mạnh xuống dưới 200.000 tài khoản, trong khi hai tháng trước đó (tháng 5 và tháng 6) ghi nhận kỷ lục hơn 450.000 tài khoản.

Mặc dù vậy, về dài hạn, ngành chứng khoán vẫn có nhiều tiềm năng khi tỷ lệ người dân tham gia đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất ít so với các nước trong khu vực, chỉ hơn 5% dân số. Bên cạnh đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, giúp thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài vào.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
MWG không đáp ứng yêu cầu của rổ chỉ số VNDiamond khi kết quả kinh doanh xuống đáy.

MWG bị loại khỏi VNDiamond

Sở Giao dịch Chứng khoán khoán TP HCM (HoSE) vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động là trường hợp bị loại.