Thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng: Cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn

CHÍNH SÁCH Việt nAM
18:06 - 28/10/2021
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 27/10, thảo luận tại Nghị trường về dự kiến các cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, đa số đại biểu Quốc hội biểu lộ tán thành nhưng cũng nêu ra một số băn khoăn đề nghị được nghiên cứu thêm

Đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với các tỉnh, thành phố trên để thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo động lực và nguồn lực cho các địa phương có thêm dư địa phát triển.

Chính sách đặc thù: Tạo động lực phát triển cho Hải Phòng

Theo dự thảo Nghị quyết, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Đối với Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng, Tp. Hải Phòng có lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong tam giác phát triển phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đặc biệt Hải Phòng là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á, là địa phương tự chủ về tài chính. Do vậy, cần tăng thêm quyền lực tự chủ để Hải Phòng phát huy thế mạnh về kinh tế biển, trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc và cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.

Đại biểu tỉnh Trà Vinh, Thạch Phước Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với 7 nhóm chính sách đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết. Về các nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị, cần cân nhắc các chính sách đề xuất về tài chính ngân sách tiền lương, phải có sự tính toán thêm để phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước và trần nợ công đã được Quốc hội quyết định.

Tại điểm cầu Yên Bái, đại biểu Nguyễn Quốc Luận bày tỏ quan điểm thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết cũng như những nội dung cơ bản tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hải Phòng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, quy định như dự thảo là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định bổ sung phần mục tiêu từ ngân sách trung ương cho Tp. Hải Phòng cũng chỉ dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đảm bảo tính hiệu quả.

Về nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí lệ phí, đại biểu thống nhất cao việc trao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân (HĐND) Tp. Hải phòng được quyền quy định bổ sung thêm các loại phí ngoài Danh mục quy định tại Luật phí, lệ phí cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của Luật.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này cho phù hợp nhất là trong năm 2022 khi chúng ta tập trung phục hồi và phát triển kinh tế sau thời gian chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch COVID-19, trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.

Đại biểu tỉnh Hải Phòng Lã Thanh Tân cho rằng, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Các cơ chế chính sách được đề xuất trên cơ sở quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ cho riêng mình mà cao hơn là vì sự phát triển chung của cả nước, tạo động lực phát triển của vùng Bắc Bộ…”, đại biểu Lã Thanh Tân nêu quan điểm.

Thành lập khu thương mại tự do: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Đối với vấn đề thành lập khu thương mại tự do, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, đây là mô hình mới hoàn toàn của Việt Nam trong khi Luật về đơn vị hành chính kinh tế, hành chính đặc biệt vẫn chưa được ban hành.

Đại biểu Bình lập luận, với quy mô tính chất hoạt động của khu thương mại tự do, không chỉ là chính sách kinh tế đặc thù riêng mà dự kiến thiết kế chính sách pháp luật mới liên quan đến mọi mặt từ tổ chức chính quyền, dân sinh, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng... Vì vậy, cần chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để Bộ Chính trị xem xét chấp thuận về chủ trương làm cơ sở đề xuất thí điểm.

Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh, đây là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Do đó, cần có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do, không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu áp dụng ở các địa phương khác trên cơ sở báo cáo Bộ Chính trị xem xét theo thẩm quyền.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang. Ảnh: quochoi.vn

Tại điểm cầu Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, việc Tp. Hải Phòng đề xuất phát triển khu thương mại tự do là đề xuất đột phá, chưa từng có tiền lệ thể hiện tinh thần quyết tâm của Chính phủ và Tp. Hải Phòng. Theo đại biểu, hiện nay khái niệm khu thương mại tự do chưa được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, để thực hiện trước hết cần xác định khái niệm khu thương mại tự do, xác định cơ quan có thẩm quyền thành lập, phạm vi, ranh giới, nguyên tắc xây dựng cơ chế áp dụng cho khu thương mại tự do… làm cơ sở cho Tp Hải phòng và các cơ quan liên quan, tổ chức khác nghiên cứu đề xuất cụ thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề mới, mới dừng ở mức ý tưởng, chưa có đề án, chưa có chủ trương. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ phối hợp với Tp. Hải Phòng để nghiên cứu Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương rồi sau đó sẽ trình cho Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp