Thành tựu giảm nghèo đa chiều của Việt Nam đạt mức ấn tượng chỉ còn 4,4%

Giảm nghèo CHÍNH SÁCH
11:40 - 01/08/2022
Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nhóm dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Ảnh: UNDP.
Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nhóm dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Ảnh: UNDP.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo “Nghèo đa chiều Việt Nam” vừa được UNDP công bố cho thấy thành tựu đáng kể về xóa đói giảm nghèo nhanh ở mọi khía cạnh, mọi nơi trên toàn quốc nhờ tăng năng suất lao động và các dịch vụ trợ giúp xã hội.

Theo Báo cáo nghèo đa chiều, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể về tổng thể, nhưng tính dễ bị tổn thương và tình trạng bất bình đẳng vẫn là những thách thức.

UNDP cũng cho biết, tình trạng nghèo về thu nhập thoáng qua đã tăng lên đáng kể trong đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với người di cư và nhóm dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo đói giảm trên diện rộng nhưng vẫn còn cao ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhìn chung, thành tựu giảm nghèo đã được thúc đẩy bởi những bước tiến tích cực cả ở 3 trụ cột chính: Mở rộng nhanh chóng việc làm năng suất, cải thiện đáng kể tiếp cận các dịch vụ xã hội và hệ thống trợ giúp xã hội.

Cụ thể, về việc làm năng suất, tỷ lệ lao động làm công ăn lương có việc làm có năng suất đã tăng nhanh chóng trong thập kỷ qua, tăng từ 65,2% năm 2010 lên 80,2% năm 2014 và gần 90,7% năm 2020.

Tuy nhiên, việc làm có năng suất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19. Dữ liệu hàng quý của Điều tra Lao động Việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy cho tỷ lệ lao động làm công ăn lương giảm 12,3% và 18,6% so với quý trước tương ứng trong quý II/2020 và quý III/2021.

Về dịch vụ xã hội, trong khi tiến bộ đã được ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục, kết quả học tập của học sinh vẫn chịu tác động mạnh bởi điều kiện gia đình. Điều này dẫn đến nghèo đói và bất bình đẳng duy trì qua các thế hệ.

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu Khảo sát mức sống dân cư của TCTK.
Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu Khảo sát mức sống dân cư của TCTK.

Đặc biệt, mức thu nhập của gia đình và trình độ học vấn của người mẹ chi phối mạnh tới sự phát triển của trẻ trong thời thơ ấu và ảnh hưởng đến tỷ lệ hoàn thành cấp trung học phổ thông. Kể từ sau đại dịch Covid-19, khi học sinh, sinh viên phải chuyển sang học trực tuyến, khoảng cách kỹ thuật số càng trở nên rõ rệt hơn.

Y tế, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân đã được cải thiện, nhưng sự chênh lệch vẫn còn. Cụ thể, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến cuối năm 2021 có 91% dân số tham gia bảo hiểm y tế, cho thấy sự tiến bộ vượt bậc khi tỷ lệ này chỉ đạt mức 76,5% vào năm 2015 - khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.

Tuy nhiên, dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn đang chưa đáp ứng được mong đợi của người bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở. Báo cáo đánh giá 1.400 bệnh viện trên toàn quốc năm 2019 của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh viện tuyến huyện chỉ nhận được 3,02 điểm (trên thang 5 điểm chất lượng), thấp hơn mức trung bình chung của cả nước là 3,19 điểm. Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em tiếp tục cản trở cơ hội phát triển và phát huy tiềm năng sau này của thế hệ này, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trợ giúp xã hội, trong những năm gần đây, hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể theo hướng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng. Đến năm 2021, hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 33,8% lực lượng trong độ tuổi lao động, tăng 2,1% so với năm 2020. Trên 1,4 triệu người (chiếm 2,9% lực lượng lao động) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2021, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020.

Khuyến nghị chính sách: Duy trì giảm nghèo đa chiều nhanh chóng đến năm 2030

Mặc dù kỷ lục về giảm nghèo đa chiều của Việt Nam là rất ấn tượng, nhưng việc duy trì thành tích này trong trung và dài hạn sẽ đòi hỏi các giải pháp toàn diện và đổi mới để thích ứng tốt hơn với bối cảnh thay đổi nhanh chóng trong nước và toàn cầu.

UNDP cho rằng các giải pháp này có thể được phân thành 3 nhóm dựa trên ba trụ cột của giảm nghèo đa chiều.

Thứ nhất, nền tảng của nền kinh tế cần được củng cố để thúc đẩy việc làm có năng suất, với trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập toàn cầu, cải thiện cơ sở hạ tầng thông suốt các kết nối và tạo thuận lợi thương mại, cũng như tăng tốc chuyển đổi cơ cấu từ các hoạt động năng suất thấp sang nông nghiệp năng suất cao hơn, hay sang sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo hoặc dịch vụ.

Điều này đòi hỏi một môi trường đầu tư và kinh doanh thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân cũng như sự dịch chuyển lao động giữa các vùng địa lý và giữa các nghề, cho phép người lao động, đặc biệt là những người từ các tỉnh nghèo và gia đình nghèo hơn, tham gia tốt hơn và hưởng lợi hơn từ quá trình tăng trưởng.

Hơn nữa, khi Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, các chính sách cần được thiết kế để thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững và bao trùm, đang ngày càng trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế - điều này đã được đúc kết từ kinh nghiệm các nước khi vươn lên trên nấc thang phát triển cao hơn.

Thứ hai, điều quan trọng là phải cung cấp cho mọi người các dịch vụ xã hội chất lượng cao. Trong lĩnh vực giáo dục, các chính sách cần hướng tới cải thiện giáo dục mầm non, phổ cập ở cấp trung học phổ thông trong tương lai gần và thúc đẩy phát triển các kỹ năng của thế kỷ 21 để thích ứng với những đòi hỏi của thời đại kỹ thuật số.

Trong lĩnh vực y tế, điều quan trọng là củng cố hệ thống y tế cơ sở vì đây là tuyến gần nhất với người dân, đặc biệt là người nghèo, người có thu nhập thấp và người dân vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và đặc biệt chú trọng phát triển chăm sóc sức khỏe phục vụ các nhóm yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, trong bối cảnh dân số già hoá nhanh chóng.

Thứ ba, hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần được mở rộng và tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, các biện pháp chính sách thích hợp cần được thực hiện để đảm bảo rằng bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt được tính bền vững về tài chính bằng cách mở rộng đăng ký tham gia và áp dụng các quyền lợi bình đẳng hơn, thay vì áp dụng giải pháp nâng mức phí đóng góp cao – sẽ chỉ cản trở việc tham gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp