Thành viên mới sàn HoSE Gỗ An Cường: Mạnh tay đầu tư tài chính, bất động sản

gỗ an cường DOANH NGHIỆP
22:28 - 09/10/2022
Showroom Gỗ An Cường.
Showroom Gỗ An Cường.
0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 10/10, 135,8 triệu cổ phiếu của CTCP Gỗ An Cường sẽ chính thức giao dịch phiên đầu tiên tại sàn HoSE với mã chứng khoán ACG, giá tham chiếu 67.300 đồng/cp.

Trước đó, cổ phiếu ACG đã có phiên giao dịch cuối cùng trên sàn UPCoM vào ngày 27/9 và chính thức hủy đăng ký giao dịch vào ngày 28/9 theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội để chuẩn bị cho bước “chuyển nhà”.

Cổ phiếu ACG được giao dịch trên UPCoM từ ngày 4/8/2021 với giá tham chiếu 90.000 đồng/cp. Từ đó đến nay, doanh nghiệp đã thực hiện 1 đợt chào bán cổ phiếu huy động vốn và 3 đợt trả cổ tức. ACG kết phiên 27/9 ở 68.900 đồng/cp, giảm 23% so với giá tham chiếu lúc mới lên sàn.

Gỗ An Cường được thành lập từ năm 1994, xuất phát điểm là đơn vị phân phối về nội thất. Hiện doanh nghiệp này có 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam (50%), Quỹ đầu tư Whitlam Holding Pte Ltd đại diện cho liên doanh VinaCapital- DEG (18,06%) và Sumitomo Forestry Ltd (19,6%).

Các sản phẩm nổi bật của Gỗ An Cường là tấm MFC, tấm laminate, tấm acrylic, cửa gỗ công nghiệp, sàn gỗ công nghiệp... Doanh nghiệp còn được biết đến với việc sở hữu thương hiệu thiết bị bếp cao cấp Malloca (từ 2004) và hàng nội thất rời Aconcept (từ 2017), đồng thời là nhà cung cấp vật liệu bề mặt tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Australia.

Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường.

Ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường.

Theo giới thiệu, An Cường hiện có hơn 3.000 nhân viên và hơn 27 showroom trên toàn quốc cùng với hệ thống đại diện nước ngoài như Mỹ, Australia, Nhật, Canada và một số nước Đông Nam Á… Ngày 1/7/2022, công ty đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá hàng trăm triệu USD với Tập đoàn Sumitomo Forestry của Mỹ, vốn là đối tác chiến lược của Gỗ An Cường từ năm 2017.

Theo thỏa thuận mới này, từ 2022, An Cường sẽ thành đơn vị cung cấp các sản phẩm nội thất cho tất cả dự án phát triển nhà ở tại thị trường Mỹ của Sumitomo Forestry. Với các đơn hàng xuất khẩu từ Sumitomo Forestry, An Cường sẽ nhanh chóng đẩy nhanh công suất khai thác về mức tối đa tại nhà máy Đất Cuốc, đồng thời gia tăng nguồn thu xuất khẩu thêm khoản 50 triệu đôla vào năm 2025.

Lấn sân bất động sản

Bên cạnh lĩnh vực truyền thống, những năm gần đây, Gỗ An Cường còn đẩy mạnh phát triển mảng địa ốc khi mua cổ phần tại loạt công ty trong lĩnh vực này. Cụ thể, tháng 4/2021, Gỗ An Cường đã chi 119,2 tỷ đồng mua gần 13% cổ phần của CTCP Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Thắng Lợi Group). Chủ tịch Gỗ An Cường Lê Đức Nghĩa cũng được bầu vào HĐQT Thắng Lợi Group.

Sang quý 1/2022, mối quan hệ giữa Gỗ An Cường và Thắng Lợi Group tiếp tục được đẩy mạnh khi doanh nghiệp ngành gỗ chi ra 393 tỷ đồng để mua 30% Công ty Bất động sản Central Hill từ Thắng Lợi Group. Central Hill hiện là chủ đầu tư dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill tại tỉnh Long An. Với việc tham gia góp vốn vào Central Hill, Gỗ An Cường cũng sẽ cung cấp các sản phẩm gỗ ép của mình cho dự án này.

Dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill.

Dự án căn hộ Thắng Lợi Central Hill.

Ngoài ra, Gỗ An Cường còn rót 285 tỷ đồng vào dự án bất động sản Novaworld Phan Thiết. Cụ thể, hồi tháng 1/2021, công ty đã ký các biên bản thỏa thuận quyền chọn mua bất động sản thuộc dự án Novaworld Phan Thiết.

Theo các biên bản thỏa thuận, Gỗ An Cường có quyền lựa chọn tiếp tục thực hiện quyền chọn mua hoặc không mua bất động sản vào tháng 3/2023. Trong trường hợp không thực hiện quyền chọn mua, công ty sẽ được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đặt cọc, kèm theo số tiền lãi tính theo lãi suất 13%/năm.

Bên cạnh việc rót vốn vào bất động sản, Gỗ An Cường còn tích cực đầu tư tài chính. Tính đến cuối quý 2/2022, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 1.800 tỷ đồng dành cho các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.

Về đầu tư tài chính ngắn hạn, công ty hiện có 1.177 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, hưởng lãi suất từ 5 – 7,6%/năm và 156 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất lên đến 13,6%/năm.

Tăng vay nợ ngắn hạn

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, doanh nghiệp gỗ ghi nhận kết quả kinh doanh sa sút với doanh thu 3.293 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 451 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 8% so với năm 2020. So với kế hoạch năm, ACG chỉ hoàn thành được 65% doanh thu và 75% lợi nhuận.

6 tháng đầu năm 2022, tình hình đã cải thiện hơn. Công ty ghi nhận doanh thu 1.915 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng, tăng 17%.

Năm nay, An Cường đặt mục tiêu doanh thu tăng 29% đạt 4.242 tỷ đồng, lãi sau thuế 550 tỷ đồng, tăng 22%. Như vậy, sau 6 tháng, doanh nghiệp gỗ này đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Hàng tồn kho của công ty tại thời điểm cuối tháng 6 là 1.527 tỷ đồng, tăng 6,5%. Nợ vay tài chính ở mức 737,5 tỷ đồng, tăng 30% và toàn bộ là nợ ngắn hạn các ngân hàng.

Tính tới cuối quý 2/2022, Gỗ An Cường có 948 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Ngày 17/10 tới đây, công ty sẽ chốt quyền trả cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 11%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 1.100 đồng. Thời gian thanh toán bắt đầu từ ngày 4/11.

Với 135,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, Gỗ An Cường sẽ chi xấp xỉ 149 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.