Tháo gỡ các điểm then chốt để hiện thực hóa khu công nghiệp sinh thái

KCN sinh thái
15:24 - 18/06/2022
Mong đợi nhiều hơn ở cơ chế thúc đẩy khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: BCT
Mong đợi nhiều hơn ở cơ chế thúc đẩy khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: BCT
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình khu công nghiệp sinh thái là hướng đi để Việt Nam thực hiện “xanh hóa” trong sản xuất, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để thực hiện nhân rộng mô hình này vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Còn nhiều vướng mắc để hình thành các khu công nghiệp sinh thái

Việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các khu công nghiệp tại Việt Nam đang tạo ra các thách thức cần giải quyết cấp bách: Ô nhiễm môi trường sinh thái và đời sống của người dân xung quanh, tài nguyên thiên nhiên chưa được sử dụng hiệu quả.

Để giải quyết bài toán này, định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái đang trở thành hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa bài toán “khu công nghiệp” sinh thái vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0" do Tạp chí Mekong - ASEAN tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng, chiều ngày 17/6, Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ cho rằng, nhắc đến Khu công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn thì mọi người đều thấy hay, nhưng thực tế xây dựng rất khó.

Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ

“Hiện nay, chính sách của chúng ta chưa khuyến khích khu công nghiệp sinh thái, chưa có hành lang pháp lý chuẩn chỉ để doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó là việc các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn mang tâm lý tính toán lợi nhuận trước khi bắt tay vào làm. Nếu như vậy thì rất khó vì để làm khu công nghiệp sinh thái rất tốn kém”.

Cụ thể theo ông Sỹ, làm theo mô hình sinh thái theo các tiêu chí quy định của Bộ Xây dựng thì doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy quỹ đất công nghiệp lên 70-75%. Như vậy, tỷ lệ quỹ đất cho cây xanh sẽ không đảm bảo.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp Việt còn xúc tiến đầu tư kém, chưa kéo được nhà đầu tư lớn quốc tế vào. Đó một phần còn do tình trạng xin xong làm dần, hàng chục năm vẫn chưa hình thành Khu công nghiệp. Trong khi thời hạn sử dụng chỉ còn 20 - 30 năm nữa thì nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia.

Để phát triển khu công nghiệp sinh thái, theo ông Sỹ, vấn đề quy hoạch ngay từ đầu rất quan trọng. Đặc biệt là quy hoạch cây xanh. Lấy ví dụ từ khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đang là hình mẫu, ông Sỹ cho biết, với 20% cây xanh của các nhà đầu tư, 15% cây xanh ở chủ đầu tư khu công nghiệp thì đã bám sát "tiêu chí sinh thái".

“Đặc biệt trong phát triển Khu công nghiệp sinh thái, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng. Như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70 - 80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn”, ông Mai Văn Sỹ phân tích.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng hơn nữa để hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái.

“Như câu chuyện ưu đãi, nếu nhận được ưu đãi miễn thuê đất như khu kinh tế thì nhiều doanh nghiệp sẽ tham gia hơn. Trong khi việc phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần công nghệ sản xuất phải cao, vì công nghệ hiện đại mới tận dụng tối đa nguồn lực. Khi được hỗ trợ, doanh nghiệp mới có nguồn kinh phí để quay vòng đầu tư vào sản xuất”, ông Sỹ đề xuất.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MKA

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: MKA

Cũng tại hội thảo, với vai trò là Chuyên gia kỹ thuật quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), bà Nguyễn Trâm Anh đánh giá rằng, khoa học công nghệ là rất cần thiết trong quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang sinh thái. Quá trình này có hai phần gồm chính sách và thực hiện.

“Chính sách phát triển Khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam đang phát triển hơn so với một số nước khác. Indonesia còn đang phải học tập chúng ta Nghị định 35 về phát triển Khu công nghiệp sinh thái, thậm chí chúng ta còn phát triển hơn trong lĩnh vực này so với Anh hay Colombia. Đây là điểm tích cực”, bà Trâm Anh nhận định.

Tuy nhiên, bà Anh cũng cho biết, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và Ban quản lý Khu công nghiệp của Việt Nam đang yếu hơn các nước khác trong khu vực để thúc đẩy chuyển đổi số.

“Chuyển đổi sang Khu công nghiệp sinh thái là việc cần nhiều bên liên quan hỗ trợ, chứ không chỉ trông chờ vào nghị định. Kinh tế 4.0 đang tạo cho chúng ta sự kết nối tạo cộng sinh công nghiệp, xây dựng nền kinh tế mới hoàn toàn, Khu công nghiệp không bị đóng trong khu công nghiệp. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề ở những góc cởi mở hơn”, bà Trâm Anh nói thêm.

Lực đẩy nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn

Làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái để giải quyết bất cập về môi trường, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, hệ thống các Khu công nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế

“Do vậy, việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn là rất cần thiết. Điều đó nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn, không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.

Cùng dưới góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước tại hội thảo, đồng quan điểm với bà Hiếu, ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để tăng cường kinh tế tuần hoàn phát triển, về mặt pháp luật, đường lối và chính sách của Việt Nam đã quy định rất rõ về vấn đề này.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường có điều 142 về kinh tế tuần hoàn, xây dựng tiêu chí, lộ trình và trách nhiệm các bên liên quan bao gồm doanh nghiệp, chủ đầu tư, các tổ chức và các cộng đồng xã hội.

Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường

“Mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích, do đó trong thủ tục cần thực hiện để xã hội xác nhận kinh tế tuần hoàn nhưng không hành chính hóa việc này. Chính sách ưu đãi của Nhà nước không có quy định rõ ràng nhưng tiệm cận sang các quy định, điều khoản khác có dáng vóc của kinh tế tuần hoàn để được hỗ trợ lãi suất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế VAT… Từ đó, dẫn chiếu sang các quy định của pháp luật về quản lý các khu công nghiệp để tạo sự đồng bộ”.

"Nhiều doanh nghiệp muốn hỏi ưu đãi cụ thể của kinh tế tuần hoàn ở mức nào? Điều này phụ thuộc vào cân đối ngân sách Nhà nước. Chúng ta không quá cầu toàn, chỉ cần có góc xuất phát đúng và tiếp cận theo đúng bản chất khoa học để đưa vào Việt Nam", ông Toản nhấn mạnh.

Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong kế hoạch sẽ chỉ ra từng danh mục nào sẽ được áp dụng thí điểm trong đó có các thứ tự ưu tiên để kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp