Thế giới có thể mất 10% sản lượng lương thực năm 2050 vì thiếu đất

môi trường THẾ GIỚI
11:00 - 06/06/2022
UN dự báo thế giới sẽ gặp khủng hoảng thiếu đất trong 60 năm nữa.
UN dự báo thế giới sẽ gặp khủng hoảng thiếu đất trong 60 năm nữa.
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh các lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với an ninh lương thực ngày càng trở nên cấp thiết, nóng lên toàn cầu và thời tiết cực đoan không phải là những mối lo duy nhất mà còn cả suy thoái đất.

Trong ngắn hạn, các yếu tố bên ngoài như chiến sự chưa có hồi kết tại châu Âu hay lạm phát năng lượng khiến giá phân bón nhảy vọt đang tạo ra nguy cơ an ninh lượng lương thực toàn cầu cho 2 năm tới. Nguyên nhân là do nông dân buộc phải cắt giảm diện tích trồng trọt hoặc cắt giảm lượng phân bón để đối phó với giá cả leo thang, từ đó khiến sản lượng giảm.

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán nếu nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine không được khôi phục, các nước đang phát triển và đặc biệt là khu vực châu Phi có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của nạn đói đầu tiên.

Về dài hạn, biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng lớn tới mùa màng tại các quốc gia như Thái Lan và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, khí hậu không phải yếu tố duy nhất đe dọa tới nguồn cung lương thực mà còn cả đất.

Theo Liên Hợp Quốc, tài nguyên đất được coi như “vàng đen và chúng chỉ tồn tại với một số lượng hữu hạn. Tuy nhiên hiện nay, việc suy giảm chất lượng và số lượng đất đang xảy ra ở khắp mọi nơi trên Trái Đất và trong kịch bản tồi tệ nhất, loài người có thể gặp thảm họa thiếu đất chỉ trong vòng 60 năm.

Thêm vào đó, CNBC trích dẫn Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa cho biết tác động của suy thoái đất có thể gây thiệt hại tổng cộng 23.000 tỷ USD không những về lương thực mà còn về hệ sinh thái và thu nhập của người dân trên toàn thế giới vào năm 2050.

Cụ thể, thư ký tại Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc Ronald Vargas cho biết tổ chức này đã xác định được tổng cộng 10 mối đe dọa lớn nhất tới tài nguyên đất. Trong đó, mối đe dọa hàng đầu chắc chắn là xói mòn đất. Theo giáo sư Jo Handelsman tại Đại học Wisconsin-Madison và đồng thời là tác giả cuốn “Một thế giới không có đất”, có những vùng trên toàn cầu hiện đã mất hoàn toàn lớp đất bề mặt.

Khi đất bị xói mòn, năng suất cây trồng vào năm 2050 có thể bị giảm tới 10%. Điều này cũng tương đương với việc thế giới bị mất hàng triệu mẫu đất canh tác. Và một khi tài nguyên đất không còn, nguồn cung thực phẩm sẽ chịu ảnh hưởng lớn cũng như nguồn cung nước sạch và đa dạng sinh học. Các hệ quả lúc đó sẽ không thể lường trước được.

Trên hết, đất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu do nó chứa gấp 3 lần lượng carbon trong khí quyển và gấp 4 lần số lượng sinh vật sống của tất cả các loài thực vật và động vật cộng lại. Vì vậy nếu thiếu đất, tình hình biến đổi khí hậu rất có thể sẽ còn trở nên khó dự đoán hơn.

Để giải quyết tình hình này, Viện Rodale ở Kutztown, Pennsylvania, đã có nhiều chương trình nhằm thúc đẩy các dự án nông nghiệp hữu cơ. Theo nhà khoa học cấp cao Reza Afshar tại đây, các dự án chủ yếu tập trung vào việc cải thiện và tái tạo sức khỏe của đất.

Bằng việc đảm bảo các khía cạnh của đất đều được cân bằng về mặt sinh học, hóa học và vật lý thông qua nông nghiệp hữu cơ, cây trồng có thể đạt năng suất cao hơn tới 40% trong thời kỳ hạn hán. Ngoài ra, nó cũng thải ra ít hơn 40% carbon so với các phương pháp canh tác thông thường và thậm chí còn giúp người nông dân đạt được nhiều lợi nhuận hơn.

Đọc tiếp