Thêm một ngân hàng lên tiếng về các khoản vay của FLC Group

TÀI CHÍNH Việt nAM
07:54 - 31/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến cuối năm 2021, ngân hàng NCB cho Tập đoàn FLC và công ty con FLC Homes vay ngắn hạn lần lượt 584 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Ngân hàng này khẳng định các khoản cấp tín dụng với hệ sinh thái FLC đều thực hiện theo quy định pháp luật và có tài sản đảm bảo.

Liên quan đến các khoản vay của tập đoàn FLC tại các ngân hàng, sau Sacombank và OCB, đến lượt ngân hàng NCB lên tiếng cho biết, thời gian qua nhà băng này đã cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Các khoản cấp tín dụng này đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định nội bộ của NCB và đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng.

Theo NCB, Tập đoàn FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong suốt hai năm vừa qua. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường; doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.

Thông báo của NCB khẳng định: "Trong hoạt động kinh doanh, NCB luôn tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, có trách nhiệm với phát triển kinh tế, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, NCB luôn coi trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, đối tác, cổ đông".

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của NCB, tính đến hết năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng của NCB chỉ tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Quy mô tiền gửi của khách hàng gồm cả cá nhân và tổ chức đều giảm mạnh gần 10%. Tổng tài sản của NCB chỉ ở mức 73.700 tỷ đồng, giảm hơn 15.000 tỷ so với cuối năm trước.

Chất lượng tài sản của NCB cũng giảm mạnh khi nợ nhóm 2 tăng gấp 4,4 lần lên 3.155 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần lên 600 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi lên 180 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB tăng từ mức 1,51% thời điểm đầu năm lên 3% vào cuối 2021.

Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đang có 2 khoản vay ngắn hạn với NCB, tổng giá trị 584 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay được thế chấp bằng quyền sử dụng đất của một bên thứ 3 và 60 triệu cổ phần BAV.

Ngoài ra, NCB tính đến cuối năm 2021 cũng cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes - một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FLC, vay ngắn hạn gần 200 tỷ đồng. Khoản vay này được đảm bảo bằng 30 triệu cổ phiếu BAV của vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết – Lê Thị Ngọc Diệp và 30 triệu cổ phiếu BAV của FLC.

Ngân hàng NCB có dư nợ cho vay FLC nhiều thứ 4, sau Sacombank, BIDV, OCB. Khoản vay của NCB cho FLC là 634 tỷ đồng và được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways).

Theo báo cáo tài chính của FLC, tại thời điểm cuối năm 2021 tập đoàn này có tổng tài sản 33.787 tỷ đồng; trong khi đó nợ phải trả là 24.064 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng tài sản. Sau sự kiện Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt tạm giam tối 29/3 vì tội thao túng thị trường chứng khoán, các hoạt động kinh doanh của tập đoàn này đang trở thành tâm điểm chú ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp