Thép SMC đạt lợi nhuận cao kỷ lục dù sản lượng sụt giảm

DOANH NGHIỆP Việt nAM
17:53 - 18/01/2022
SMC có một năm hưởng lợi nhờ giá thép "leo thang".
SMC có một năm hưởng lợi nhờ giá thép "leo thang".
0:00 / 0:00
0:00
Trong nửa đầu năm 2021, giá sắt thép trong nước tăng tới 40 - 50%. Đây chính là lý do giúp SMC đạt các chỉ số kinh doanh kỷ lục dù sản lượng tiêu thụ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã chứng khoán SMC, sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2021. Theo đó, tính riêng quý 4, doanh thu thuần của công ty đạt 6.149 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí vốn tăng mạnh hơn, đến 45,5% dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn hơn 128 tỷ đồng, chỉ bằng 38% cùng kỳ.

Mặc dù vậy, lũy kế cả năm 2021 của SMC vẫn đột phá với doanh thu 21.312 tỷ đồng, tăng 35,4% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 1.102 tỷ đồng, sau thuế đạt 903 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của SMC đã tăng 186% so với số lãi hơn 316 tỷ đồng đạt được năm 2020. Đây cũng là con số kinh doanh cao nhất từ trước tới nay của SMC.

Lý giải về việc lãi lớn năm 2021, SMC cho biết sản lượng tiêu thụ năm 2021 giảm 6% so với năm 2020 song giá cả tăng nên doanh thu vẫn tăng 35%. Giá thị trường tăng mạnh, duy trì mức cao trong thời gian dài trong khi giá vốn ở mức bình quân thấp nên biên lợi nhuận tốt. Ngoài ra hoạt động tài chính cũng hiệu quả do tận dụng nguồn lãi vay, giảm sử dụng vốn, tăng quay vòng vốn.

Bức tranh lợi nhuận của SMC.

Quy mô tổng tài sản cuối năm 2021 của SMC là 9.020 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đầu tư nhà máy mới tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tăng lượng tồn kho để đảm bảo cho hoạt động sản xuất được liên tục.

Tuy nhiên, do giá thép đang có chiều hướng giảm ở giai đoạn cuối năm nên công ty phải chủ động giảm tồn kho. Tính đến 31/12/2021, tổng giá trị hàng tồn kho của SMC đạt 2.560 tỷ đồng, giảm gần 760 tỷ đồng so với đầu năm (đã bao gồm 113 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho).

Về dư nợ, tổng đi vay tại ngày 31/12/2021 của SMC là 3.609 tỷ đồng, tăng 380 tỷ sau một quý và chủ yếu là khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng. Khoản nợ đi vay đang chiếm 40% tổng nguồn vốn và gấp 1,49 lần vốn chủ sở hữu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SMC cũng có một năm khá thành công khi chinh phục được những mức đỉnh chưa từng đạt được. Chào sàn HoSE từ đầu năm 2012 với giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu, phải đến giai đoạn 2017-2019, SMC mới có sự đột phá. Mức đỉnh cao nhất là 20.000 đồng.

Sau năm 2020 tuột dốc về vùng giá hơn 10.000 đồng, đến đầu 2021, cổ phiếu thép này có sự bứt phá mạnh mẽ. Ở phiên 15/10, SMC leo lên mức đỉnh lịch sử là 55.700 đồng. Tuy nhiên sau đó, giống với những “người anh em” ngành thép, mã dần đi xuống; hiện đã về mức 37.000 đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp