Thí điểm 3 mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn

NGÂN HÀNG NHNN
23:19 - 01/12/2021
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt khu vực nông thôn Sóc Sơn (Hà Nội)
Thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt khu vực nông thôn Sóc Sơn (Hà Nội)
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước đang thí điểm 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu và cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo điện tử Dân Việt phối hợp tổ chức sáng 1/12/2021.

“Chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là phát triển xã hội số, kinh tế số, theo đó phải có sự dịch chuyển chung về thanh toán không dùng tiền mặt của cộng đồng. Hiện khu vực nông thôn chiếm hơn 60% dân số, nên thay đổi phải trước hết phải từ khu vực này”, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN nói.

Dịch COVID-19 góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi thói quen tiêu dùng và thanh toán của người Việt Nam theo hướng tăng cường sử dụng các tiện ích trực tuyến, hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ góc nhìn quốc tế, nhà phân tích Dmitry Levit từ quỹ đầu tư Cento Ventures nhận định trên tờ Nikkei Asia rằng các nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn phát triển nền kinh tế kỹ thuật số với tốc độ số hóa mạnh mẽ trong thời gian qua khi ngày càng nhiều giao dịch được thực hiện qua các kênh trực tuyến, các dịch vụ fintech như ví điện tử, tiền điện tử… nở rộ.

Khảo sát do Visa thực hiện gần đây cho thấy 56% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát mang ít tiền mặt hơn trong khi 68% sử dụng thẻ nhiều hơn trong thanh toán.

Nguồn: VISA

Nguồn: VISA

Từ góc độ trong nước, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thanh toán qua Mobile Banking và Internet Banking tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 – 2020.

Cụ thể, với Mobile Banking, tổng khối lượng giao dịch tăng trưởng bình quân 88,9%/năm trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng bình quân 150%/năm.

Internet Banking tăng trưởng với tốc độ bình quân 42,6%/năm về khối lượng giao dịch và 42,4%/năm về giá trị giao dịch trong cùng kỳ. Cũng trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân tài khoản thẻ cá nhân tại Việt Nam đạt 10,9%.

Tính riêng 3 quý đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và 42,58% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Thanh toán Mobile Banking tăng mạnh 76,19% về số lượng và 88,3% về giá trị giao dịch, trong khi thanh toán qua Internet Banking tăng 51,16% về số lượng và 29,09% về giá trị giao dịch.

"Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân"

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhận định việc triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025, nhất là tại khu vực nông thôn, còn nhiều thách thức.

"Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có giải pháp quyết liệt từ các Bộ, ngành có liên quan. Một là điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hạn chế. Hai là thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn", ông Nam nói.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác đến từ cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý và hạ tầng viễn thông, Internet chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng dữ liệu định danh điện tử còn thiếu, có rủi ro an ninh mạng, gian lận, lừa đảo...

Động thái chính sách: Thí điểm Mobile Money và 3 mô hình hợp tác

Nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, NHNN và các ngân hàng thương mại trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách tích cực để giúp nông dân tiếp cận cũng như hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho hay NHNN hiện đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thời gian tới.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Hiện đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Hiện đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt

“Chúng tôi đang thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông (Vietel, VNPT, MobiPhone) triển khai thí điểm dịch vụ này. Hiện có 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu và cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân được triển khai”, ông Dũng cho biết.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân, nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán, ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán mà không cần đến điểm giao dịch ngân hàng.

Ảnh tác giả

“Hiện có 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu và cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân được triển khai. Chúng tôi cũng đang thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông (Vietel, VNPT, MobiPhone) triển khai thí điểm dịch vụ này.”

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam

Từ phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn nền kinh tế như phát triển các kênh thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu giao dịch 24/7 trong thanh toán liên ngân hàng, cải tiến quy trình nghiệp vụ thanh toán theo hướng đơn giản hóa, tự động hóa và số hóa thủ tục hồ sơ, chứng từ giao dịch.

Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thanh toán trực tuyến kết nối liên thông giữa các tổ chức, tăng cường tuyên truyền, quảng bá và có chính sách thu hút khách hàng mở tài khoản, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử thanh toán các hóa đơn thiết yếu như điện, nước, học phí, cước viễn thông…

"Các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn", ông Long nói.

"Đồng thời, để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, Agribank đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng; triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử", ông Nguyễn Hải Long thông tin thêm.

Ảnh tác giả

"Các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn".

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đề nghị: "Bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, Bộ Công Thương cũng cần vào cuộc với những chính sách khuyến khích các sàn thương mại điện tử về khu vực nông thôn, tạo điều kiện các doanh nghiệp và người dân có nơi mua bán, thanh toán bằng phương thức hiện đại. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần có chính sách về dịch vụ viễn thông đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, khuyến khích người dân các khu vực này tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông Internet như dịch vụ 3G, 4G...".

Trong bối cảnh phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ gần đây đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 với chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo nên chuyển biến tích cực cho toàn nền kinh tế.

Đề án đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như: từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản, số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm trên cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm…

Tin liên quan

Đọc tiếp