Thị trường châu Á - Thái Bình Dương khởi sắc sau khi Fed tăng lãi suất

CHỨNG KHOÁN CHÂU Á
11:43 - 16/06/2022
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết một đợt tăng lãi suất cơ bản từ 50-75 điểm có khả năng xảy ra tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7. Ảnh: Nikkei
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết một đợt tăng lãi suất cơ bản từ 50-75 điểm có khả năng xảy ra tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 7. Ảnh: Nikkei
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận tăng điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm, mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua. 

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/6 (giờ địa phương) đã thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó tình hình lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Fed nâng lãi suất ở mức này.

Các thị trường "bật xanh"

CNBC nhận xét, động thái trên đã có tác động tích cực lên các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, xoa dịu lo ngại về vấn đề dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Theo đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,4% và tạo ra "một biển xanh" trên cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô, công nghệ và điện tử. Chỉ số Topix ghi nhận mức tăng 1,26%. Cổ phiếu Sony tăng hơn 2%, Softbank Group tăng khoảng 1,6% trong khi Toyota tăng 4%.

Tương tự như vậy, tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI cũng tăng 1,25% với những bước nhảy vọt của cổ phiếu Samsung, Hyundai và Posco.

Các sàn giao dịch tại châu Á đều ghi nhận mức tăng. Ảnh: CNBC

Các sàn giao dịch tại châu Á đều ghi nhận mức tăng. Ảnh: CNBC

Tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng gần 1% khi mở cửa, trong khi Tencent và Chow Tai Fook giảm gần 2% trong giờ giao dịch đầu tiên. Cơ quan Tiền tệ Hong Kong ngày 15/6 cũng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên 2%. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite "im hơi lặng tiếng" khi giao dịch đi ngang và chỉ số Shenzhen (Thâm Quyến) Component tăng 0,36%.

Chỉ số Straits Times của Singapore và chỉ số Jakarta Composite đều tăng gần 1%. Tại Australia, chỉ số S&P/ASX200 có mức giao dịch cao hơn khoảng 0,5%, giá cổ phiếu Rio Tinto, Fortescue Group và BHP đều tăng gần 2%.

Số liệu thất nghiệp của Australia giữ ổn định ở mức 3,9% - đây là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Dự trữ Australia có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất một lần nữa giống như Fed và nhiều ngân hàng trung ương khác.

Đợt tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 này cũng khiến đồng USD mạnh lên. Đầu phiên giao dịch ngày 16/6 (giờ Việt Nam), Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,36%, đạt mức 105,44. Đồng USD tăng so với rổ tiền tệ, chạm mức cao nhất trong 2 thập kỷ.

Đồng Yên Nhật ghi nhận giao dịch ở mức 134,07 JPY/USD, tăng mạnh lên rõ rệt. Tương tự, đồng tiền của Australia cũng tăng lên 0,7002 AUD/USD, sau khi suy yếu xuống 0,68 AUD/USD hồi đầu tuần.

Quyết tâm "hạ nhiệt" lạm phát

Ông Kevin O’Leary, Chủ tịch Công ty quản lý tài chính O’Shares ETFs, cho biết động thái tăng lãi suất 75 điểm cơ bản (0,75%) là một tín hiệu cho thấy Fed đang cố gắng "hạ nhiệt" lạm phát một cách quyết liệt. Ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu tăng 1%, nhưng đây cũng là hướng đi tích cực của cơ quan này.

Mặc dù Fed chưa xác nhận có thêm một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác vào tháng 7 hay không, nhưng họ đã cam kết kéo lạm phát trở lại mục tiêu 2%. Điều này có nghĩa là Fed có thể "sẵn sàng hy sinh nền kinh tế" để đạt được điều này, ông JP Kerry Craig, Nhà chiến lược thị trường toàn cầu của Morgan Asset Management, nhận định.

Ông Craig cũng nói thêm rằng, những rủi ro xung quanh cuộc suy thoái kinh tế vào năm 2023 là không thể bỏ qua.

Tin liên quan

Đọc tiếp