Thị trường lúa mì thế giới thêm lao đao vì Ấn Độ cấm xuất khẩu

Lương thực THẾ GIỚI
15:21 - 15/05/2022
Thị trường lúa mì thế giới thêm lao đao vì Ấn Độ cấm xuất khẩu
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 14/5, thị trường lúa mì thế giới vốn lâm vào khủng hoảng do Nga và Ukraine ngừng cung cấp ra thị trường vì chiến tranh, lại hứng thêm một “cú đánh” về nguồn cung khi Ấn Độ cũng bất ngờ ra lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Nguyên nhân Ấn Độ đưa ra quyết định là nhằm giữ lại lúa mì trong nước, giải quyết đợt hạn hán và nắng nóng đang làm giảm nghiêm trọng sản lượng, đẩy giá bán trong nước lên cao kỷ lục do nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu cùng tăng mạnh.

Theo CNBC, lệnh cấm mới của Ấn Độ sẽ không áp dụng với những đơn hàng đã mở thư tín dụng (L/C) trước khi quyết định này có hiệu lực. Ngoài ra, New Delhi cũng tiếp tục cho phép xuất khẩu lúa mì tới một số nước nhất định được xác định là đang phải “vật lộn để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực”.

Động thái của Ấn Độ tác động mạnh tới thị trường lúa mì toàn cầu vì nước này là nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về mặt hàng này. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì Ấn Độ đã tăng cao kể từ tháng 3 vừa qua, sau khi nguồn cung từ khu vực Biển Đen bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Theo các chuyên gia, ngoài việc đẩy giá lúa mì thế giới lên cao hơn, lệnh cấm của Ấn Độ cũng sẽ tác động trở lại đối với chính nước này do giá thực phẩm và năng lượng sẽ đẩy lạm phát tiêu dùng hàng tháng lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Riêng tháng 4 vừa qua, ngay trước khi lệnh cấm được công bố, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 1,4 triệu tấn lúa mì. Đồng thời nước này cũng đã ký các thỏa thuận để xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn vào tháng 5. Sau lệnh cấm, các thỏa thuận này sẽ được xem xét lại và tạm ngừng theo quyết định mới.

Như vậy, trên thị trường lúa mì thế giới hiện không còn nhà xuất khẩu lớn nào cung ứng hàng, do Nga, Ukraine và Ấn Độ đều đã ngừng xuất khẩu. Quốc gia xuất khẩu lớn khác là Belarus cũng có quyết định tương tự. Đây là một phần trong xu hướng các quốc gia hiện nay tăng cường bảo hộ sản phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực nội địa.

Đọc tiếp