Thị trường M&A Việt - Nhật sôi động bất chấp COVID-19

M&A NHẬT BẢN
09:17 - 23/12/2021
0:00 / 0:00
0:00
Nhật Bản là một trong 4 quốc gia dẫn đầu thị trường M&A ở Việt Nam với nhiều lĩnh vực được chú trọng đầu tư, trong đó có ngành chế biến thực phẩm và chế tạo.

Đây là thông tin được ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ trong hội nghịGiao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, chiều 22/12.

Phân tích tình hình hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh COVID-19, ông Minh cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng đều lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư tiềm năng, an toàn.

“Nhất là khi thị trường M&A ở Việt Nam diễn ra khá sôi động với khá nhiều thương vụ lớn trở thành điểm đến hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam để đầu tư kinh doanh”, Tham tán Minh nhận định.

Việt Nam có những điều kiện hấp dẫn về ổn định chính trị, kinh tế, điển hình là năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trong bối cảnh hầu hết các nước khác tăng trưởng âm khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu cùng với nguồn lao động dồi dào.

Ảnh tác giả

“Trong làn sóng chuyển hướng đầu tư đó, M&A ngày càng được coi trọng hơn. Nguyên nhân do việc xây dựng lại các nhà máy ở các nước mất nhiều thời gian, chi phí nên họ muốn tận dụng cơ sở sẵn có và nguồn nhân công của Việt Nam để cùng hợp tác, tránh gián đoạn, vận hành chuỗi sản xuất”.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản

Hiện thị trường M&A Việt Nam được dẫn đầu bởi 4 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapo. Các chuyên gia dự báo quy mô thị trường M&A Việt Nam năm 2021 sẽ ở mức 4,5 – 5 tỷ USD và hồi phục trở lại với mức bình quân giai đoạn 2014 – 2017.

Các lĩnh vực chế biến chế tạo, hàng tiêu dùng, nông sản, bất động sản sẽ là tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư, trong khi các lĩnh vực viễn thông, năng lượng hạ tầng, giáo dục được đánh giá là có nhiều tiềm năng hứa hẹn trong một vài năm tới. Dự đoán các nhà đầu tư từ châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapo sẽ tiếp tục chiếm ưu thế.

Các thương vụ M&A điển hình thời gian qua, gồm: Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia; CJ (Hàn Quốc) mua cổ phần của Công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt và Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Deasang (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần thực phẩm Đức Việt…

Từ thực tiễn, ông Minh phân tích, số lượng doanh nghiệp chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng thấp nhưng giá trị sản xuất của ngành chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo (chiếm tỷ trọng 20%).

Thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu của người tiêu dùng. Ngành chế biến thực phẩm ít chịu tác động nhất từ dịch COVID-19, M&A trong ngành chế biến thực phẩm sôi động vì thị trường thuận lợi cả cung lẫn cầu.

Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng tạo ra thị trường tiêu dùng tăng trưởng tự nhiên ổn định. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã nhận thấy cơ hội và đang tiến hành đầu tư vào mảng chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Cung cấp thêm những số liệu làm rõ hơn bức tranh dòng vốn đầu tư của Nhật Bản, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trong 11 tháng 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Nhật Bản đạt 38,4 tỷ USD, tăng gần 6,7% so với cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,6%, nhập khẩu đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,3%.

Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, tơ, sợi các loại, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản. Việt Nam xuất siêu khá lớn ở các mặt hàng nông sản với hơn 1 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản chủ yếu là kim loại thường, sắt thép, phế liệu.

Về đầu tư, theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/11/2021, Nhật Bản có 4.792 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 64,22 tỷ USD, chiếm 15,82% tổng vốn đăng ký ở Việt Nam, đứng thứ 2/141 quốc gia, vùng lãnh thổ có FDI ở Việt Nam.

Đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư Nhật Bản, ông Minh chỉ ra, thời gian qua Chính phủ Việt Nam và các địa phương thực hiện nhiều biện pháp: sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuẩn bị quỹ đất sạch, nguồn cung ứng điện, nguồn nhân lực chất lượng cao...

COVID-19 có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động xấu tới tình hình thu hút FDI. Nhà đầu tư nên kiên nhẫn vì đầu tư là hoạt động mang tính dài hạn, dịch Covid là khó khăn chung của toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực đưa ra giải pháp phù hợp.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Minh cho rằng, cần đảm bảo quy trình quản lý chất lượng hàng xuất khẩu vì Nhật Bản là thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm cần đảm bảo ổn định lượng cung và giá bán.

“Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần chú trọng đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng Việt Nam, thông qua tham gia các hội chợ triển lãm, các chương trình quảng bá sản phẩm hoặc đưa hàng lên các trang thương mại điện tử uy tín như Rakuten, Amazon…”, ông Minh nói.

Tiềm năng lớn thu hút đầu tư công nghiệp chế biến thực phẩm

Phân tích về tiềm năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, ông Vũ Cường, Trưởng phòng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Việt Nam hiện có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình, trong đó, chế biến thực phẩm.

Trình độ công nghệ chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam có quy mô công nghiệp đạt mức độ trung bình trên thế giới. Một số ngành hàng có công nghệ tiên tiến ngang tầm thế giới như: thủy sản, hạt điều, sữa, xay xát gạo.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế. Năng lực chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu công suất nhất là vào cao điểm của mùa vụ.

Các cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ công nghệ còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu và năng lượng, năng suất thấp dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn dao động từ 10 – 25%. Các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ đạt 15 – 30%.

Các mặt hạn chế khác có thể kể đến là một số ngành hàng hội nhập chậm và gặp nhiều khó khăn với các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa; cơ sở vật chất, logistic còn yếu; sản phẩm chưa có tính tiện dụng cao, chủ yếu là bán thành phẩm cho chế biến tiếp theo.

“Những hạn chế này chính là điểm nảy sinh cơ hội thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật bản nói riêng vào Việt Nam. Nhất là khi Việt Nam có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, nông sản đa dạng, phong phú về chủng loại sản lượng lớn khoảng 140 triệu tấn nên có thể đầu tư các cơ sở chế biến bảo quản với quy mô lớn, hiện đại”.Ông Vũ Cường, Trưởng phòng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, chất lượng nông sản Việt Nam đảm bảo, ngon, dinh dưỡng tốt được khách hàng ưa thích, có nhiều thị trường tiêu thụ do đó có thể đầu tư chế biến nhiều ngành hàng nông sản.

Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao với giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn (19,1%) trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng chính là lợi thế tiềm năng thu hút đầu tư Nhật Bản.

Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển: Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2015; Chương trình khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…

Bên cạnh đó, theo ông Cường, các FTA được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho thương mại Việt Nam với các nước FTA trong đó có ngành chế biến thực phẩm. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang thực thi nhiều chính sách nông nghiệp hướng ra nước ngoài “Made by Japan”. “Việt Nam là một thị trường tiềm năng để thu hút đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm với nhiều tín hiệu tích cực”, ông Cường khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp