Thị trường nghỉ lễ sớm, VCB đảo chiều chặn đà đi lên của VN-Index

VCB CHỨNG KHOÁN
16:29 - 31/08/2022
Thị trường nghỉ lễ sớm, VCB đảo chiều chặn đà đi lên của VN-Index
0:00 / 0:00
0:00
Thanh khoản thị trường phiên cuối tháng xuống thấp do tâm lý trước kỳ nghỉ lễ. Trong khi đó, trái ngược với sự thăng hoa trong phiên trước, cổ phiếu VCB của Vietcombank giảm khá mạnh và là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số VN-Index.

Mở cửa phiên giao dịch trước ngày nghỉ lễ 31/8, diễn biến phân hóa trùm lên các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép,...

Tuy nhiên, lượng hàng T+2,5 về đến tài khoản chiều nay đã tranh thủ chốt lời khá mạnh, nhưng dòng tiền vào mua cũng rất tốt, đẩy thanh khoản lên. Tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn buổi chiều tăng 27% so với phiên sáng, trong đó tiền vào HoSE tăng gần 33%

Kết phiên, VN-Index tăng 1,12 điểm (0,09%) lên 1.280,51 điểm, HNX-Index giảm 1,93 điểm (0,66%) về 291,92 điểm, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (0,06%) đạt 92,44 điểm.

Toàn sàn HoSE có 267 mã tăng giá, 83 mã đứng giá tham chiếu và 162 mã giảm giá. Giá trị giao dịch HOSE chỉ ở mức 12,7 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 15,75 nghìn tỷ đồng của tháng 8/2022.

Thanh khoản xuống thấp do tâm lý trước kỳ nghỉ lễ, điều này hoàn toàn phù hợp và dễ hiểu. Nhìn chung thị trường trước nghỉ lễ không diễn ra sự điều chỉnh nào quá đáng kể mà chỉ là sự lình xình trong giao dịch và sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Cụ thể:

Cổ phiếu chứng khoán ghi nhận SSI tăng 0,21%, VIX tăng 1,49%, BSI tăng 2,82%. Trong khi đó, nhiều cái tên đứng giá tham chiếu như VND, HCM, VCI.

Ở nhóm bất động sản, số mã tăng chiếm ưu thế, trong đó VHM tăng 1,84%, BCM tăng 1,21%, DXG tăng 1,92%, TCH tăng 1,68%, DXS tăng 4,58%, CTD tăng 4,03%, HBC tăng 1,56%, CII tăng 4,39%... Ở chiều ngược lại, NVL giảm 0,36%, VRE giảm 2,46%, KDH giảm 1,86%, NLG giảm 2,79%, SZC giảm 1,1%.

Nhóm sản xuất ghi nhận sự cân bằng hơn giữa sắc xanh và sắc đỏ, tuy nhiên nhìn chung mức độ biến động khá hẹp. Cổ phiếu thủy sản gây chú ý hơn cả khi VHC tăng 3,32%, FMC tăng 3,58%, IDI tăng kịch trần.

Cổ phiếu năng lượng và hàng cũng diễn biến tương tự, GAS giảm 1,51%, PLX giảm 0,12% nhưng POW lại tăng 1,08%, PGV tăng 0,2%; VJC giảm 0,65% trong khi HVN tăng 0,88%.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa rõ rệt. Sắc xanh vẫn lấn át nhưng đa phần chỉ tăng nhẹ, nổi bật hơn cả là VPB với mức tăng 1,44%, HDB tăng 1,52%, SHB tăng 1,3%. Trong khi đó, Ở chiều giảm, VCB giảm mạnh tới 2,33%, CTG cũng giảm 0,53%, SSB giảm 0,15%, EIB giảm 0,49%.

Đáng chú ý, VCB là cổ phiếu gây bất ngờ phút cuối, phá hỏng đà tăng chiều nay. Đến cuối đợt khớp lệnh liên tục cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường này mới giảm 0,7%, nhưng đợt ATC bị xả mạnh, giá đóng cửa giảm tới 2,33%.

Nếu như trong phiên giao dịch ngày hôm qua 30/8, siêu trụ VCB trở thành mã có ảnh hưởng tích cực đến thị trường, thì phiên giao dịch hôm nay, đây lại là mã kéo tụt chỉ số, kết phiên tại mức giá 84.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, VN-Index cũng khó có thể bứt phá khỏi sức ì đến từ nhóm cổ phiếu vua.

Tuy nhiên, dù ghi nhận giảm mạnh phiên cuối tháng, cổ phiếu này cũng đã tăng gần 14%, từ vùng giá 73.000 đồng lên 84.000 đồng trong hơn một tháng qua. Sự đi lên vững chắc của VCB và nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là trụ lực để VN-Index chinh phục lại các cột mốc quan trọng.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá VCB là một cổ phiếu tốt để đầu tư trong trung và dài hạn. KBSV kỳ vọng VCB sẽ được Ngân hàng Nhà Nước đánh giá cao trong quá trình xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (chỉ chiếm 1% tổng dư nợ).

Đồng thời dự phóng NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) đạt 3,2%, với dự đoán CASA vẫn duy trì ở mức cao, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 khiến chi phí đầu vào sẽ tăng nhẹ.

Ngoài ra, KBSV cũng dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022 có thể đạt 29.663 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm 2021. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu này.

Thị trường có thể đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9

Trong báo cáo nhận định thị trường mới đây của VNDirect, các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 9 khi VN-Index đang tiến tới vùng kháng cự mạnh 1.300-1.330 điểm.

Tuy nhiên, do các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện, đợt điều chỉnh này sẽ tạo ra “cơ hội giải ngân tốt” cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục cho Q4/22 và năm 2023. Kỳ vọng vùng 1.240-1.260 điểm sẽ là hỗ trợ mạnh cho VN-INDEX trong tháng 9.

Đối với chu kỳ thanh toán T+2, theo VNDirect, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 giảm thời gian thanh toán, giúp nhà đầu tư phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của nền kinh tế và thị trường tài chính. Từ đó, nhà đầu tư có thể tăng hiệu quả đầu tư cũng như tiết kiệm chi phí giao dịch

Về phía thị trường, điều này góp phần tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngoài ra, nó còn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ thị trường nâng hạng lên Thị trường mới nổi.

Về chiến lược đầu tư trong tháng 9, theo VNDirect, một số ngành như du lịch và hàng không, công nghiệp, ô tô, bán lẻ và thực phẩm & đồ uống sẽ có tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong quý III/2022 dựa trên mức nền so sánh thấp của cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022 và điều này sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đọc tiếp