Thị trường Trung Quốc bấp bênh, rau quả Việt đi tìm sự thay thế

XNK Việt nAM
13:29 - 25/02/2022
Tìm thị trường vững chắc cho rau quả Việt - Ảnh: minh họa
Tìm thị trường vững chắc cho rau quả Việt - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1 ghi nhận đà giảm do thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc thực hiện “Zero Covid”. Trước tình hình trên, Mỹ được hy vọng sẽ là thị trường giảm bớt sự chi phối của Trung Quốc với mặt hàng rau quả Việt.

Thị trường lớn nhưng bấp bênh

Theo Phòng Thương mại Thực phẩm, Sản phẩm Bản địa và Sản phẩm Động vật (CFNA) của Trung Quốc, năm 2021 Trung Quốc đã nhập 7,03 triệu tấn trái cây, tương đương 13,47 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, nhập khẩu rau quả của thị trường này đã tăng lên 11,5% về lượng và tăng 30,9% về trị giá.

Trung Quốc tăng nhập khẩu các loại quả như sầu riêng, chuối, măng cụt, nhãn tươi, nho và thanh long tươi. Các thị trường cung cấp trái cây chính cho Trung Quốc năm 2021 là Thái Lan, Chile, Việt Nam, Philippinne, New Zealand, Peru, Úc và Nam Phi.

Ở chiều ngược lại, thị trường này cũng xuất khẩu 3,55 triệu tấn, trị giá 5,43 tỷ USD. Mặt hàng hoa quả xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc nhiều nhất tới các thị trường là Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, New Zealand, Peru, Úc và Nam Phi.

Số liệu trên cho thấy Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mặt hàng rau quả lớn. Đây cũng là quốc gia nhập khẩu lượng rau quả lớn nhất tại Việt Nam, chiếm gần 50% thị phần. Tuy nhiên, Việt Nam hiện cũng trở thành thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Trung Quốc.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 3,35 tỷ USD hàng rau quả, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này 359 triệu USD, tăng 28,6%.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan trong tháng 1/2021, Việt Nam nhập khẩu 72,8 triệu USD hàng rau quả từ Trung Quốc, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 43% thị phần kim ngạch nhập khẩu hàng rau quả. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 148,9 triệu USD, giảm 18,4%, chiếm 50% thị phần kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả.

Lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh, trong khi đó xuất khẩu hàng rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc lại ghi nhận đà giảm. Xuất khẩu của Việt Nam giảm đã được dự báo từ trong năm 2021 do Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”, khiến tình trạng ùn tắc xe chở hàng nông sản kéo dài đến tận đầu năm 2022.

Từ những tháng cuối năm 2021, do chính sách “Zero Covid” từ phía Trung Quốc cho nên việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung gặp khó khăn. Hàng nghìn container nông sản của Việt Nam ùn tắc tại các cửa khẩu. Đỉnh điểm lên tới gần 6.000 xe container tại cửa khẩu biên giới phía Bắc tính đến cuối tháng 12/2021.

Riêng với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc là thanh long đã giảm tới 40% kim ngạch so với năm 2020, khi thị trường này ra lệnh ngừng nhập khẩu thanh long trong tháng 7/2021 do phát hiện virus SARS-CoV-2. Ngoài ra các mặt hàng nông sản như xoài tươi… cũng sụt giảm do ùn tắc biên giới dài ngày, khiến nông sản hỏng.

Trong khi đó, dù các doanh nghiệp đã tăng mạnh xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Mỹ (tăng 69,8%); Hàn Quốc (tăng 32,6%); Nhật Bản (tăng 12,2%)… nhưng cũng không thể bù đắp được sự sụt giảm từ thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc.

Nhiều dư địa xuất khẩu rau quả sang Mỹ

Năm 2021, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ lần đầu tiên đạt kỷ lục hơn 110 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 96,2 tỷ USD, tăng 24,9%. Mặt hàng rau quả tăng tới 82% so với năm 2020, đạt 308 triệu USD.

Với mặt hàng rau quả, Mỹ được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn khi có 332 triệu khách hàng với thu nhập trung bình cao. Cùng với đó, xu hướng ẩm thực chú trọng rau quả ngày càng phổ biến ở Mỹ.

Đặc biệt với trái xoài, đây là loại trái cây được Mỹ ưa chuộng. Do nhiều người châu Á và Mỹ Latinh đến sinh sống và làm việc ở Mỹ nên nhu cầu xoài trên thị trường này ngày càng tăng. Người dân Mỹ sử dụng xoài tươi để ăn kèm bột yến mạch, làm rau trộn hoặc làm sinh tố. Xoài cũng có thể được cấp đông, chế biến thành các món khác như xoài khô, bánh kẹo, nước trái cây…

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu xoài các loại của Mỹ trong 11 tháng năm 2021 đạt 710.528 tấn, trị giá 970 triệu USD; tăng 2,1% về lượng và tăng 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu trong 1 tháng năm 2021 chiếm 74,4% tổng lượng nhập khẩu quả xoài các loại. Giá xoài nhập khẩu bình quân ở mức 1.365,2 USD/tấn, tăng 9,3%.

Tuy nhiên, với thị trường rộng lớn này, xoài Việt mới chỉ chiếm 0,1% tổng lượng xoài nhập khẩu của Mỹ, đạt 1.713 tấn, trị giá 3,4 triệu USD, đứng thứ 14 thị trường cung cấp xoài cho Mỹ. Giá xoài Việt vào Mỹ cũng ghi nhận đà giảm so với năm 2020, xuống còn 0,2%.

Trong những năm gần đây, giao thương giữa hai nước ngày càng phát triển, đây được kỳ vọng sẽ là động lực để các mặt hàng trái cây của Việt Nam xâm nhập sâu hơn vào Mỹ. Đầu năm 2022, doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu nhiều loại trái cây sang Mỹ, bao gồm trái dừa, thanh long, chôm chôm, xoài…

Tin liên quan

Đọc tiếp