Thị trường vốn 6 tháng đầu năm: Tín dụng tăng, chứng khoán giảm

TÍN DỤNG CHỨNG KHOÁN
14:03 - 30/06/2022
Tín dụng tăng trưởng cao là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.
Tín dụng tăng trưởng cao là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi tín dụng tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ thì tiền vào thị trường chứng khoán lại giảm sút rõ rệt. Dòng tiền tập trung vào kinh doanh sản xuất, không còn hướng đến những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%).

Thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm ước tính tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/6/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.202,82 điểm, giảm 7% so với cuối tháng trước và giảm 19,7% so với cuối năm 2021. Tính đến ngày 15/6/2022, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.339 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% so với cuối năm 2021; giá trị giao dịch bình quân đạt 19.563 tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.649 tỷ đồng/phiên, tăng 0,2% so với bình quân năm trước.

Trên thị trường trái phiếu, tính đến ngày 15/6/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.718 tỷ đồng/phiên, giảm 0,9% so với tháng trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.986 tỷ đồng/phiên, giảm 3,7% so với bình quân năm 2021.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tính đến ngày 15/6/2022, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 290.591 hợp đồng/phiên, giảm 9% so với tháng trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2022 đạt 197.150 hợp đồng/phiên, tăng 4% so với bình quân năm trước.

Tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát?

Phát biểu tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 ngày 15/6, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng tăng trưởng cao là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Gói hỗ trợ lãi suất 2% và các gói hỗ trợ khác trong chương trình 350.000 tỷ đồng được triển khai tích cực cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế được tốt hơn.

Định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, ông Tú cho biết trên cơ sở kiểm soát lạm phát, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho doanh nghiệp, những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu… để khôi phục nền kinh tế. Những lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không... trong 2 năm qua cũng sẽ được tập trung vốn để có thể sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Còn tín dụng vào một số lĩnh vực nhạy cảm có hệ số rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán sẽ tiếp tục được kiểm soát.

Theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ''cơn khát sau trận hạn hán'' nên tăng rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Thực tế, nhiều nhà băng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm, khi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh một cách linh hoạt, có thể tăng lên 15-16%, song cũng có thể giảm xuống 12 - 13%. Ông Tú cho rằng, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nếu tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn, nhưng nếu thắt chặt tín dụng, thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải được giải quyết thỏa đáng.

Cũng tại cuộc họp báo trên, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đăng ký luôn xấp xỉ trên 20%, vượt xa khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Nếu cứ để các ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng theo nhu cầu, áp lực với lạm phát là rất lớn.

Theo ông Quang, kể từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế room tín dụng, song song với việc nâng cao áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị của hệ thống ngân hàng. Nhưng thực tế, nhu cầu tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất cao. Trước năm 2011, tăng trưởng tín dụng bình quân của Việt Nam là trên 30%/năm, có năm tăng 53,8%, vượt xa khả năng quản trị và cân đối vốn của ngân hàng thương mại, dẫn tới hệ luỵ rất lớn là mất khả năng thanh toán.

Với bài học đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải đi song song cả hai chân: Vừa nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, vừa tăng cường giám sát từ sớm, từ xa các hoạt động của ngân hàng thương mại, các lĩnh vực quản trị rủi ro, trong đó có tín dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp