Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ 'mở cánh cửa' để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Phần Lan NATO
09:02 - 29/06/2022
Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển về vệc ủng hộ các nước này gia nhập NATO. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận với Phần Lan và Thụy Điển về vệc ủng hộ các nước này gia nhập NATO. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết nước này ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Thông báo được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa ông Erdogan với lãnh đạo hai quốc gia Bắc Âu tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những gì chúng tôi muốn và đồng ý ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, Phần Lan. Chúng tôi đã đạt được thành tựu đáng kể trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố", AFP dẫn tuyên bố của văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/6.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cũng xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ với nước này và Thụy Điển để ủng hộ cả hai trở thành thành viên NATO. "Các ngoại trưởng của chúng tôi đã ký một bản ghi nhớ 3 bên, trong đó xác nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO", Reuters dẫn tuyên bố của ông Niinisto.

Ông Niinisto cho biết thêm rằng, các bước để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ được thống nhất trong 2 ngày tới. "Tôi rất vui vì giai đoạn trong hành trình trở thành thành viên NATO của Phần Lan đã hoàn thành", ông nói.

Thỏa thuận được ký kết sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg làm trung gian cho các cuộc đàm phán 3 bên giữa ông Erdogan và các lãnh đạo Thụy Điển, Phần Lan. "Cánh cửa đang mở ra. Phần Lan và Thụy Điển sẽ gia nhập NATO", ông Stoltenberg nói.

Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters
Từ trái sang phải: Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong hội nghị thượng đỉnh bốn bên ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Quyết định trên được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển kết thúc 4 giờ đàm phán, trong đó các bên nhất trí bảo vệ an ninh của nhau, trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bước đột phá này được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha), nơi lãnh đạo của 30 nước thành viên họp bàn nhằm thể hiện quyết tâm ngăn chặn Nga.

Điều này đồng nghĩa là Helsinki và Stockholm có thể tiến hành thủ tục xin gia nhập liên minh quân sự NATO, củng cố những gì được cho là sự thay đổi lớn nhất trong cục diện an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, khi hai quốc gia Bắc Âu vốn trung lập đã tìm kiếm sự bảo vệ của NATO.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng hoan nghênh thỏa thuận này. Trong bài đăng trên Twitter, ông Biden nhận định: "Đây là bước đi quan trọng đối với tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển. Điều này giúp củng cố liên minh và an ninh tập thể của chúng tôi".

Trong khi đó, Thủ tướng Johnson gọi đây là "tin tuyệt vời" để bắt đầu hội nghị thượng đỉnh NATO. "Tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn và an toàn hơn", ông Johnson đăng Twitter.

Theo Tổng thư ký NATO Stoltenberg, 30 nhà lãnh đạo NATO sẽ chính thức mời Phần Lan (quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga) và Thụy Điển gia nhập liên minh. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được lời mời chính thức, Quốc hội của 30 nước thành viên NATO vẫn phải phê chuẩn quyết định của các nhà lãnh đạo. Quá trình này có thể kéo dài 1 năm.

Phần Lan và Thụy Điển hôm 15/5 nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt thời kỳ trung lập từ hàng chục đến hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, đơn xin gia nhập liên minh của 2 quốc gia Bắc Âu này vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do quan ngại về an ninh. Ankara yêu cầu cả Thụy Điển và Phần Lan lập tức ngừng ủng hộ tổ chức khủng bố và đưa các phần tử khủng bố ra xét xử; đồng thời đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng, nếu các điều kiện này không được đáp ứng, Ankara sẽ không chấp nhận tư cách thành viên của hai quốc gia này. Phần Lan và Thụy Điển đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2019 do sự can thiệp của Ankara vào Syria. Sự phản đối của Ankara đe dọa kế hoạch của NATO mời Thụy Điển và Phần Lan tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid bắt đầu vào hôm 29/6.

Trong khi đó, phía Nga chưa bình luận về sự kiện trên. Tuy nhiên, Moscow từ lâu đã cảnh báo quyết định của Phần Lan và Thụy Điển. Nga nhận định việc NATO mở rộng hiện diện ở "cửa ngõ" sẽ khiến nước này này bất an bởi đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 27/6 cảnh báo: "Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải mối đe dọa mới với chúng tôi. Các quốc gia đó từng có quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, nhưng tranh chấp lãnh thổ và bất đồng với họ đã được dự báo trước. Chúng tôi đã sẵn sàng cho những bước đi đáp trả".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.