Thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước: Định giá thường thấp hơn thực tế

Bộ Tài Chính cổ phần hóa
14:54 - 18/05/2022
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ý kiến cho rằng thay vì tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nên trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cũng tồn tại một số vướng mắc như tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành, nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu...

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhận định tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” diễn ra ngày 17/5.

Bộ trưởng Phớc dẫn chứng, như trong năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ thu từ cổ phần hóa 40.000 tỷ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 2.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng năm nay nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn cũng sẽ không đạt mục tiêu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp chính xác là rất quan trọng. Thực tế, định giá doanh nghiệp thường thấp hơn giá trị thực tế, từ đó nên gây nên thất thoát.

Bộ trưởng nêu ví dụ, qua kiểm toán 45 doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá trị doanh nghiệp tăng lên, bình quân 2,8 lần… “Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất”, Bộ trưởng nhận định.

Việc tính giá trị đất một lần không sát giá thị trường, hoặc dù có sát thị trường song thì sau 10 năm, 20 năm giá trị của doanh nghiệp lại khác…, đây là lỗ hổng thất thoát. Mặt khác với việc nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác. Chuyển mục đích sử dụng đất cũng dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng nêu vấn đề có nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá hay không? Doanh nghiệp sau cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất, nếu không có nhu cầu sử dụng đất thì phải trả lại Nhà nước. Nhà nước đấu giá chuyển mục đích sử dụng đất, để đảm bảo không bị thất thoát tài sản.

Tính giá trị đất đai gây khó khăn cho doanh nghiệp

Trước vấn đề mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu ra, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, khi xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định 126, Nghị định 140, thì chỉ có đất trả tiền một lần mới tính vào giá trị doanh nghiệp, đất trả tiền thuê hàng năm sẽ không tính vào.

Đây là vấn đề vô cùng khó, vì theo lý thuyết thì phải xác định theo giá thị trường, nhưng thế nào là giá thị trường khi chưa ra đấu thầu? Kể cả ra đấu thầu thì cũng không chắc đó là giá thị trường, có khi giá cao quá, có khi giá thấp quá. “Rõ ràng việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị doanh nghiệp thì mới tháo gỡ được điểm nghẽn lớn, đẩy nhanh cổ phần hóa. Muốn đưa ra thì phải có văn bản quy phạm pháp luật, nếu không không ai dám làm”, ông Long nêu quan điểm.

Ông Long chia sẻ thêm, quan điểm cổ phần hóa, thoái vốn xong mất đất là không đúng. Thực tế, đất không mất đi đâu mà vấn đề là thất thu ngân sách. Căn cơ của việc xác định giá cao hay thấp là do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Khi là nhà xưởng thì giá chỉ 5 đồng, khi là trung tâm thương mại giá là 50 đồng, rất khác nhau. Do đó, ông Long đề nghị phải xem lại vấn đề phương án sử dụng đất, coi đây là cốt lõi của vấn đề.

Tôi lấy ví dụ, quá trình chuẩn bị cổ phần hóa của Agribank, dù đã sắp xếp phương án sử dụng của hàng nghìn miếng đất, nhưng mới đạt hơn 94% thì cũng không thể tiến hành cổ phần hóa. Hay như VNPT, với hơn 2.000 miếng đất, có những miếng chắc chắn không thể được phê duyệt do nguồn gốc đất phức tạp. Ông Nguyễn Hồng Long

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản thì cho rằng, cần sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa. Trường hợp doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước và sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nhận định, việc tính giá trị đất đai gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi giá thị trường nay thế này mai thế khác, thay đổi liên tục. “EVN cũng như các đơn vị khác sợ nhất là đánh giá giá trị doanh nghiệp để thoái vốn, sợ nhất “ông” đất”, ông Nam chia sẻ và kiến nghị loại đất đai ra khỏi việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có nhiều doanh nghiệp đã xử lý được câu chuyện đất đai vì họ chủ động chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm. Khi cổ phần hóa, họ yêu cầu công ty cổ phần cam kết trong bản cáo bạch là sau khi chuyển thành công ty cổ phần cũng tiếp tục thuê đất trả tiền hàng năm và dùng đất đó đúng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như vậy sẽ đảm bảo nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa sau này sử dụng đúng mục đích sử dụng đất chứ không phải bỏ ngành nghề chính chuyển sang làm bất động sản, làm mất ý nghĩa của cổ phần hóa.

Còn kiến nghị tách giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi cổ phần hóa và xác định giá đúng quy định pháp luật, ông Tiến cho rằng đây là hai vấn đề vướng mắc, là điểm cản trở của cổ phần hóa nên Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu hoàn thiện.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa DNNN, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 30 nghị định, 3 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 quyết định; các bộ ban hành 19 thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành… Tuy nhiên, kết quả cổ phần hóa không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến ngày 31/12/2020, lũy kế giai đoạn 2016-2020 cả nước đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp này, chỉ có 39/128 thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch giai đoạn 2017-2020).

Hiện các DNNN chỉ chiếm khoảng 0,08% số lượng doanh nghiệp nhưng chiếm 7% tổng tài sản; 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước; khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 sẽ cổ phần hóa 22 doanh nghiệp. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone…

Tin liên quan

Đọc tiếp