'Thời kỳ chỉ dựa vào tăng trưởng nguồn vốn để tăng năng suất đã qua'

DOANH NGHIỆP Nguồn vốn
23:12 - 17/11/2022
Khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác ngoài gia tăng nguồn vốn. Ảnh minh họa
Khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác ngoài gia tăng nguồn vốn. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực kinh tế tư nhân thường có hiệu quả sử dụng vốn cao, tuy nhiên xu hướng này lại có dấu hiệu đảo chiều trong 2 năm dịch bệnh. Đây có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua.

Đó là chia sẻ của ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" chiều ngày 17/11 tại Hà Nội.

Theo ông Bình, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đã có sự thay đổi lớn trong 10 năm qua: từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 đã tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân đóng góp vô cùng lớn với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010, tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021.

Đáng chú ý, tốc độ tăng của vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân tăng mạnh trong năm 2021 (tăng 7,2%), trong khi toàn xã hội chỉ tăng 3,2%. Tốc độ tăng này được hỗ trợ bởi kênh trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2010-2021.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2010-2021.

Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), nếu năm 2010 khu vực kinh tế Nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Điều này cho thấy khu vực tư nhân sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Tuy nhiên xu hướng này đảo ngược trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, trong khi khu vực kinh tế Nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng.

Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn vẫn cao nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại liên tục giảm, sự đóng góp của TFP (Năng suất nhân tố tổng hợp - chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động) vào GDP cũng giảm theo.

Theo ông Bình: "Sự suy giảm của hệ số ICOR đầu tư tư nhân trong 2 năm vừa qua có thể là chỉ dấu báo hiệu thời kỳ gia tăng sản lượng chỉ bằng cách gia tăng nguồn vốn đầu tư đã qua và khu vực kinh tế tư nhân cần tìm kiếm các động lực tăng trưởng khác như công nghệ và nhân lực..."

Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giai đoạn 2010-2021.

Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giai đoạn 2010-2021.

Cũng phải đặt câu hỏi liệu các nguồn vốn đầu tư tư nhân như đã đăng ký, thống kê đã thực sự đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra sản lượng và giá trị gia tăng cho nền kinh tế hay không? Cách thức phân bổ, bơm vốn như thời gian qua đã hợp lý chưa, đã đến được các doanh nghiệp cần nhất chưa? Vốn có chạy từ khu vực sản xuất sang phi sản xuất, đầu tư vào tài sản dài hạn, chạy vòng vòng hay không?Ông Lê Duy Bình

Khẳng định đầu tư tư nhân cần chiến lược mới trong bối cảnh mới, trong nguy có cơ, ông Lê Duy Bình cho rằng cần những động lực mới cho khu vực này.

Cần gắn tăng trưởng về vốn với các yếu tố động lực tăng trưởng khác như nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng thời, cần có biện pháp để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn trước sự lấn át của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp

Cũng tại Diễn đàn kinh tế 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, nhiều chuyên gia đã có những đóng góp ý kiến để doanh nghiệp “vượt sóng” trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp nhận định, trong hai năm vừa qua, trước tình hình Covid-19, nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp đã chống chọi hiệu quả. Tuy nhiên dự báo quý 4/2022 và năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của thế giới.

Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để đưa ra đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023, chủ yếu tập trung vào hai chính sách quan trọng là tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên theo ông Long, Chính phủ sẽ chỉ đóng vai trò như “bà đỡ”, bản thân doanh nghiệp vẫn cần đóng vai trò chủ yếu để tồn tại và phát triển.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Thống kê cho thấy, bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì cũng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.

Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Mục tiêu là có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng

Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.

VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.

Theo TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã duy trì được hình ảnh đất nước không ngừng cải cách. Tuy nhiên, bình diện vĩ mô hiện chưa có thêm ý tưởng và động lực mới cho quá trình cải cách. Nếu không thực hiện cải cách thể chế triệt để, sẽ khó để tạo ra sức bật, thay đổi về cơ cấu nền kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Bà Minh cho biết, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như kinh tế ban đêm, đề án về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có cơ chế để thực thi. Tuy nhiên để đưa vào thực tế vẫn sẽ còn nhiều khó khăn.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng cần quan tâm đến việc theo đuổi và thực hiện phát triển bao trùm. Sự tham gia của phụ nữ vào quá trình sản xuất kinh doanh và phát triển xã hội; vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cần phải có giải pháp cụ thể để hỗ trợ các đối tượng này.

Cùng với đó, cần tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực trong bối cảnh mới. Phải có cơ chế để người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện nhiều chính sách, trong đó chính sách cạnh tranh là chính sách quan trọng để nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh mới.

Tin liên quan

Đọc tiếp