Thu hơn 30 tỷ USD trong 8 tháng, ngành dệt may vẫn lo trầm lắng vào cuối năm

Dệt May Việt nAM
06:28 - 20/09/2022
Ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm - là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có.
Ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm - là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Vinatex, 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn ngành dệt may tăng trưởng tốt và tận dụng được cơ hội thị trường. Tuy nhiên, 4 tháng cuối năm 2022 thị trường được dự báo sẽ chậm lại do ảnh hưởng bởi lạm phát và nhu cầu giảm sút.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu của ngành dệt may đạt tới con số 4,4 tỷ USD/tháng, tăng 8,7% so với tháng trước đó.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may đạt hơn 30 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, một số thị trường chủ lực của sản phẩm dệt may Việt Nam đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể thị trường Mỹ đạt gần 13 tỷ USD, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD.

Đứng thứ 2 là EU cũng đạt trên 3 tỷ USD, tăng 41%, tương ứng tăng 879 triệu USD. Thị trường Nhật Bản cũng ghi nhận kết quả khả quan với 2,5 tỷ USD, tăng 22%, tương ứng tăng 458 triệu USD. Cuối cùng là Hàn Quốc đạt 2,1 tỷ USD, tăng trên 20%, tương ứng tăng 365 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021.

Về nhập khẩu nguyên phụ liệu nhóm ngành dệt may trong tháng 8 ghi nhận đạt 2,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trên 19 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cần gỡ nút thắt về các chính sách thuế

Khác với những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may được dự báo giai đoạn cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 ngày 18/9, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, quý IV/2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn ngành dệt may tăng trưởng tốt và tận dụng được cơ hội thị trường và các chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ.

"Trong 8 tháng 2022, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2021, là tốc độ tăng trưởng mà trong hơn 10 năm qua không có", ông Trường nhấn mạnh.

Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam tận dụng được cơ hội này rất lớn, đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao.

Tuy nhiên, đến nay, những dư địa chính sách đã thực hiện sớm đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Các nước cũng đã mở cửa, trở lại sản xuất bình thường, triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như ở Bangladesh, Ấn Độ…

Trong khi đó, thị trường thế giới lại diễn ra xu thế ngược lại, tức là đột nhiên trở nên “lạnh”, cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021, nhưng giá hàng hóa dệt may lại giảm giá 9%. Hàng hoá tồn kho tăng rất cao.

"Có thể thấy, nếu trong 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất được 3,7 đến 3,8 tỷ USD bình quân thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1 đến 3,2 tỷ USD", ông Trường tính toán.

Kiến nghị đối với ngành dệt may giai đoạn cuối năm, ông Lê Tiến Trường cho biết cần tiếp cận chính sách mới, giúp đảm bảo được phát triển của các ngành có sử dụng nhiều lao động, đồng thời cũng là ngành có thặng dư xuất khẩu tốt.

Ảnh tác giả

Khi nguồn lực hạn chế, cần phải có trọng tâm ưu tiên

Theo tôi, trọng tâm ưu tiên vào các ngành xuất khẩu cần xuất phát từ 3 điểm: Một là thặng dư, khả năng đem lại xuất siêu cho Việt Nam. Hai là khả năng sử dụng lao động. Ba là khả năng dẫn đạo để đưa tỷ lệ nội địa hóa cao, tức là phục hồi ở đơn vị xuất khẩu nhưng kéo theo nhiều đơn vị trong nước khác cũng được phục hồi trong sản xuất kinh doanh

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong việc vận dụng chính sách vào thực tiễn. Đại diện Vinatex cho biết, hiện nay nếu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu thì vừa nộp VAT, vừa phải chuẩn bị cả thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn. Như vậy, trung bình doanh nghiệp phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Do đó, ngành dệt may kiến nghị, một là mua hàng trong nước để làm xuất khẩu thì hậu kiểm và không bắt nộp trước VAT và thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. Thứ 2 là đối với những ngành hàng vẫn có đơn hàng thì room tín dụng đối với vay ngắn hạn rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất kinh doanh.

Đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp có đơn hàng FOB (doanh nghiệp dệt may sẽ tự chủ từ mua nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng) đành phải chuyển sang làm gia công vì không vay được tiền để mua nguyên liệu. Nhưng như vậy sẽ khiến một loạt doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước không có cơ hội có đơn hàng.

"Đối với ngành hàng vẫn có đơn hàng, room tín dụng rất quan trọng để doanh nghiệp có thể duy trì bởi các nhãn hàng giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày như trước đây lên 120 - 150 ngày. Điều này khiến nhu cầu vốn lưu động tăng lên. Với doanh nghiệp làm FOB thì nhu cầu vốn lưu động càng tăng hơn nữa nhưng room thì không có. Lúc này tỷ suất lợi nhuận kinh doanh thấp nên càng khó tiếp cận với ngân hàng", ông Trường nói.

Ngoài ra, hiện tại kinh doanh tỷ suất lợi nhuận thấp, nên các phương án kinh doanh của doanh nghiệp càng khó tiếp cận với ngân hàng. "Ngay trong tiếp cận vốn được giảm lãi suất 2% thì Vinatex mới tiếp cận được khoảng 140 tỷ đồng nguồn vốn gốc," ông Trường cho biết.

Theo đại diện Vinatex, cũng có một phần khách quan là doanh nghiệp vay vốn lưu động bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu nên không tiếp cận được chính sách giảm lãi suất này. Do đó, ông Trường đề nghị, cân nhắc, xem xét nếu được sự hỗ trợ lãi suất trong khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ sẽ góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp