Thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng đầu năm tăng mạnh 80,3%

THUẾ NGÂN SÁCH
20:40 - 30/06/2022
Thu ngân sách từ dầu thô 6 tháng đầu năm tăng mạnh 80,3%
0:00 / 0:00
0:00
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nội địa do ngành Thuế quản lý ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, tăng 80,3% so với cùng kỳ.

Thông tin tại hội nghị Sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai công tác thuế 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Thuế diễn ra chiều 30/6, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nội địa do ngành Thuế quản lý ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán, bằng 180,3% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 741.145 tỷ đồng, bằng 64,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,7% so với cùng kỳ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Thu từ dầu thô tăng 80,3% so với cùng kỳ

Đáng chú ý, thu từ dầu thô ước đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán, bằng 180,3% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 100,4 USD/thùng, bằng 167,3% so với giá dự toán, bằng 161,8% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 4,21 triệu tấn, bằng 60,1% dự toán, bằng 92,1% so với sản lượng cùng kỳ.

Lý giải về điều này, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, thu từ dầu thô đạt cao do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới những tháng đầu năm 2022 tăng cao, đến nay giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức cao, giá dầu Brent đang dao động trong khoảng 110 - 115 USD/thùng đã có những tác động đến thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2022.

Thu nội địa ước đạt 741.145 tỷ đồng, bằng 64,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Thu tiền sử dụng đất ước đạt 107.607 tỷ đồng, bằng 79,7% dự toán, bằng 135,1% so cùng kỳ. Thu xổ số kiến thiết ước đạt 19.054 tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, bằng 81,1% so cùng kỳ. Thu lợi nhuận chênh lệch và cổ tức được chia ước đạt 33.712 tỷ đồng, bằng 56,8% dự toán, bằng 129,8% so cùng kỳ. Chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước ước đạt 2.368 tỷ đồng, bằng 78,9% dự toán.

Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 578.404 tỷ đồng, bằng 63,2% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Với kết quả thu ngân sách nhà nước nêu trên, thu ngân sách trung ương lũy kế 6 tháng năm 2022 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 331.129 tỷ đồng, bằng 64,6% dự toán, bằng 118,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 444.133 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, bằng 117,2% so với cùng kỳ.

60/63 địa phương có tiến độ thu đạt trên 50% dự toán

Đánh giá chi tiết về tiến độ các chỉ tiêu, khu vực thu, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, 6 tháng đầu năm, có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 55%). Trong đó: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 56,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 56,6%; khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 67,6%; thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 77,4%; thu lệ phí trước bạ ước đạt 68,5%; thu tiền cho thuê đất ước đạt 82%; thu tiền sử dụng đất ước đạt 79,7%; thu từ xổ số ước đạt 55,6%; thu khác ngân sách đạt 70,3%...

Tuy nhiên, vẫn còn 3/19 khoản có tiến độ thu chậm là: Thuế Bảo vệ môi trường ước đạt 48%; thu phí – lệ phí ước đạt 53,6%; thu tiền cho thuê bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ước đạt 23,9%.

Đáng chú ý, có 60/63 địa phương có số thu đạt trên 50% dự toán. Một số địa phương có số thu đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh... Tuy nhiên, vẫn còn 3/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán thấp dưới 50% là: Lai Châu ước đạt 46%; Cao Bằng ước đạt 42%; Sơn La ước đạt 44,2%.

Có được kết quả trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt là các chính sách thuế mới, chính sách, cơ chế thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19

Đồng thời chú trọng công tác hỗ trợ người nộp thuế để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhìn nhận, trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp được dự báo sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát triển kinh tế, điều này sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Để hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 theo chương trình, kế hoạch đã đặt ra, trong 6 tháng cuối năm 2022, ngành Thuế tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp quản lý thuế, chống thất thu, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế nhằm phấn đầu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Trong đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Đọc tiếp