Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Kết quả tăng trưởng quý III không phải con số ngẫu nhiên’

Nghị quyết 128 CHÍNH SÁCH
18:36 - 05/10/2022
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Kết quả tăng trưởng quý III không phải con số ngẫu nhiên’
0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định con số tăng trưởng ấn tượng 13,67% của quý III vừa qua không phải là ngẫu nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng đây là kết quả từ tác động rất lớn của Nghị quyết 128 trong phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Sau một thời gian giãn cách xã hội để hạn chế sự lây lan của Covid-19, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Đây là quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng nổi bật trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.

Nếu quý III/2021, Tổng cục Thống kê công bố GDP quý ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử, thì kết quả tăng trưởng quý III/2022 và 9 tháng vừa được công bố cách đây vài ngày đã đảo chiều tăng trưởng ấn tượng, tăng vọt 13,67%.

Bàn luận về vấn đề này, tại tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Nghị quyết 128 được triển khai đến nay đã tròn một năm, có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong cả nước.

Theo Thứ trưởng Phương, kết quả tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm rất sâu -6% do kiểm soát dịch bệnh bằng cách “đóng cửa” nhằm hạn chế sự lây lan. Kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 thời điểm đó.

“Nghị quyết 128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Với các giải pháp bổ sung khác, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và sự phục hồi đó được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Bên cạnh Nghị quyết 128 là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác cũng đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.

“Có thể thấy, kết quả tăng trưởng trong quý III năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế đang phục hồi”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh. Đây là con số Việt Nam chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số.

Phân tích cụ thể về phục hồi, Thứ trưởng Phương cho biết, thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm nay, Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.

“Có thể thấy, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Kinh nghiệm từ Nghị quyết 128 giúp Việt Nam tự tin hơn

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hồi tưởng lại thời điểm ban hành Nghị quyết 128.

“Việt Nam đã có sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp chống dịch và phát triển kinh tế. Từ việc chống dịch bằng mọi giá tại thời điểm đó, chúng ta nhắc nhiều đến từ "mục tiêu kép" tức là phải cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế. Đó là việc đằng sau của Nghị quyết 128”, TS. Hiếu nhận định.

"Cách tiếp cận mới này có chiến lược hơn, dài hạn hơn, tổng thể hơn. Tâm thế của chúng ta bắt đầu thay đổi, trước đây đâu đó chúng ta hơi sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau thì nay hợp tác với nhau. Bài học đến bây giờ của Nghị quyết 128 là giúp chúng ta tự tin hơn trong việc giải quyết tất cả vấn đề sau đó. Đây là điểm đạt được rất lớn”.

TS. Phan Đức Hiếu, chuyên gia Kinh tế của Quốc hội

Tác động của Nghị quyết 128 đến các con số phát triển kinh tế được chuyên gia Phan Đức Hiếu khẳng định là rất lớn. Chứng minh cho khẳng định này, ông Hiếu phân tích, trước khi có Nghị quyết 128, doanh nghiệp lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh vì không lường trước được các biện pháp chống dịch như thế nào.

Sau khi có Nghị quyết 128, doanh nghiệp khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn sản xuất. Người dân cũng bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn.

“Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc thì rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm nay. Tôi cho rằng những bài học của Nghị quyết 128 cần rút ra ở 2 điểm: Đối với doanh nghiệp quan trọng nhất là tuyên bố rõ ràng, công khai, minh bạch, có thể dự đoán được và dài hạn. Đó là những điều rất nên coi là bài học cho phát triển từ nay đến những năm tiếp theo”, TS. Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Các nước có thể học hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam

Cũng tại tọa đàm, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc quản lý đại dịch. Ngay từ đầu Covid-19, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó với đại dịch.

Tiếp sau đó, khi có vaccine, Việt Nam triển khai tiêm vaccine và nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số thực sự cao. Hơn 260 triệu liều vaccine đã được tiêm, trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Việt Nam đã có các chính sách và hướng dẫn kịp thời và phù hợp, trong đó có Nghị quyết 128.

Cùng với đó là nỗ lực và sự hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn. Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó. Một yếu tố quan trọng là sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế.

“Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai”, TS. Angela Pratt nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp