Thủ tướng: 'Chú trọng bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản'

KINH TẾ Việt nAM
14:06 - 01/12/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng - Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, phải tiếp tục nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm quản lý để triển khai các nhiệm vụ, hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 11 có nhiều điểm mới và khác so với tháng 10. Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc, xung đột Nga-Ukraine kéo dài.

Lạm phát toàn cầu cao, nhiều quốc gia tăng lãi suất kéo dài và thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD tăng giá và nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá. Tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nhiều thị trường lớn có xu hướng thu hẹp. Rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới.

Trước bối cảnh đó, cả nước quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Quá trình chấn chỉnh này cũng tác động tới tâm lý thị trường, song, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, "không làm không được", xử lý người sai bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, xuất hiện tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ ở một số địa phương; tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế chưa được xử lý dứt điểm. Bối cảnh đó đặt ra khối lượng công việc lớn, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao.

Trước những diễn biến mới của tình hình, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã bình tĩnh, theo dõi, nắm chắc tình hình, tổ chức các cuộc làm việc, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân, đánh giá đúng tình hình, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực từ tình hình.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như cân đối thu chi đến thời điểm này, bội thu khoảng 276.000 tỷ đồng, tạo dư địa để thực hiện các nhiệm vụ; xuất - nhập khẩu khả quan với con số xuất siêu hơn 10 tỷ USD; bảo đảm lương thực - thực phẩm, xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD hàng nông sản và 7 triệu tấn gạo; cơ bản bảo đảm đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Đồng thời, an sinh xã hội được bảo đảm, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được tăng cường, mở rộng.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 - Ảnh: VGP

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 11/2022 - Ảnh: VGP

Thời gian sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là do tác động từ bên ngoài. Phải tiếp tục nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm quản lý, điều hành để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhất là trong tháng 12 để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Tuyệt đối không để mất an toàn hệ thống ngân hàng, mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, các chủ thể liên quan theo quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đặc biệt, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đánh giá tổng thể, rõ ràng cung, cầu thị trường theo các phân khúc. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả, có khả năng trả nợ, đáp ứng các quy định pháp luật. Các địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất.

Theo dõi sát diễn biến tình hình, chủ động, linh hoạt có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, chính xác, hiệu quả, dứt khoát. Tập trung tháo gỡ khó khăn, có các giải pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh. Bảo đảm đồng bộ các mục tiêu trước mắt và lâu dài, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Đọc tiếp