Thủ tướng: Để khai mở tiềm năng ĐBSCL, quy hoạch phải đi trước một bước

ĐBSCL QUY HOẠCH
21:08 - 21/06/2022
Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ máy bay trực thăng. Ảnh: VGP
Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ máy bay trực thăng. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu kết luận Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ĐBSCL ngày 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng các nhiệm vụ trọng yếu khai mở tiềm năng cho vùng, trong đó nhấn mạnh quy hoạch tiên phong, tư duy đột phát, tầm nhìn chiến lược.

“Cả nước vì vùng, vùng vì cả nước”

Để thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đặc biệt coi trọng việc thích ứng với tự nhiên.

“Phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữ nguồn lực bên trong (với ba trụ cột là con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa-lịch sử) là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, với nguồn lực bên ngoài (gồm nguồn vốn, công nghệ, năng lực quản trị…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Với tinh thần ‘cả nước vì vùng và vùng vì cả nước’ như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi mong rằng, thông qua Hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại vùng ĐBSCL, vì lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của vùng và đất nước Việt Nam.

Muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt

Xác định Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng quan trọng nhưng Thủ tướng cho rằng, phải thừa nhận vùng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Từ những tồn tại, Thủ tướng định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, chỉ ra nhiệm vụ đầu tiên là vùng cần tập trung xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất nhằm đầu tư toàn diện cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí

Thứ hai, về triển khai Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, các địa phương của vùng cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.

“Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trên cao. Ảnh: TTXVN

Thứ ba, về phát triển hạ tầng, trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Thứ tư, đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vùng vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở vùng ĐBSCL.

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác công tư và giải ngân vốn đầu tư công: Các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển các mô hình: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công.

Thứ sáu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ bảy, khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thứ tám, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới.

Thứ chín, tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm,

Cuối cùng, đưa ra chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời.

Tin liên quan

Đọc tiếp