Thủ tướng nêu 9 nhóm giải pháp lớn để phát triển thị trường lao động

LAO ĐỘNG Việt nAM
18:39 - 20/08/2022
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập". Tại đây, Thủ tướng đưa ra các giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động, trong đó nhấn mạnh vấn đề đào tạo.

Lao động - việc làm là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến, đề xuất định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của các đại biểu. Đồng thời đánh giá đây là một hội nghị rất quan trọng, tiếp nối các hội nghị về thị trường vốn và bất động sản, cũng là kinh nghiệm cho các hội nghị khác trong thời gian tới như về phát triển thị trường khoa học, công nghệ.

Thủ tướng cho rằng lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Bởi khi lao động trong nền kinh tế quá dư thừa, thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, thậm chí bất ổn xã hội, chính trị. Ngược lại, nếu thiếu hụt lớn lao động, chất lượng lao động thấp… sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và có các hệ lụy khác. Đây là hai mặt mà Việt Nam phải cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý, hiện thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập; chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, quản lý chất lượng thị trường, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động.

Cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng. Vẫn còn tình trạng thiếu - thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo… Hệ thống thông tin thị trường chưa thực sự hoàn chỉnh. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu.

Ngoài ra, giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực chất lượng cao, ngành nghề, kỹ năng nghề mới. Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Cơ cấu thị trường lao động còn chưa hợp lý, chưa hiệu quả…

Thủ tướng cho rằng lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Vấn đề thiếu - thừa lao động là hai mặt mà Việt Nam phải cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng lao động - việc làm là vấn đề quan trọng, là một trong các cân đối lớn của nền kinh tế. Vấn đề thiếu - thừa lao động là hai mặt mà Việt Nam phải cân nhắc, tính toán, xử lý hài hòa trong quá trình phát triển. Ảnh: VGP

Còn thiếu sự quan tâm phát triển cơ sở dữ liệu thị trường lao động

Thủ tướng cũng chỉ ra cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, một số lãnh đạo cơ quan bộ, ngành, đơn vị còn chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động. Ngoài ra, công tác lãnh đạo, năng lực quản trị, phát triển thị trường lao động còn yếu. Thiếu cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là những bất cập về tiền lương.

Đồng thời vai trò kết nối cung – cầu, hỗ trợ người lao động của hệ thống trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm chưa cao, nhất là để vượt qua các cú sốc của thị trường. Nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa có sự quan tâm đúng mức tới quyền lợi người lao động.

Chưa chú trọng kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế. Chưa thực sự quan tâm phát triển cơ sở dữ liệu thị trường lao động đầy đủ; công tác thống kê cập nhật phục vụ phân tích, dự báo và chỉ đạo điều hành về tình hình lao động còn hạn chế.

Thủ tướng cho biết, hiện nay, chính phủ đang xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch. Những điều đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, làm chủ được công nghệ để phát triển các ngành công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ. Theo đó, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn lực, động lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tập trung vào hệ thống đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần nâng cao nhận thức về thị trường lao động, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Từ đó, Thủ tướng đề ra 9 nhóm giải pháp lớn để phát triển thị trường lao động.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất, tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Đồng thời, tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam cam kết, phê chuẩn. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường liên kết thị trường lao động trong và ngoài nước.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và lưới an sinh xã hội... Chú trọng đầu tư cả về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau.

Nhiều chỉ số của thị trường lao động như tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm, số việc làm được tạo ra… là những chỉ số kinh tế vĩ mô rất quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.

Thủ tướng trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế tại Hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng trao đổi với đại diện các tổ chức quốc tế tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Đồng thời, nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu… Xây dựng hệ thống quản trị thị trường lao động hiện đại, minh bạch, thống nhất, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tham gia các hoạt động giao dịch việc làm, tiếp cận thông tin về thị trường. Đẩy mạnh đầu tư số hóa quản trị lao động việc làm kết nối với số hóa quản lý dân cư.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, đảm bảo cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường trong và ngoài nước. Triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng. Chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động thế giới.

Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, chú trọng đào tạo cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống. Cùng với đó, rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp