Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên

DU LỊCH Tây Nguyên
15:45 - 20/11/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực địa phương trong khuôn khổ Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên có chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững". Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm gian hàng trưng bày sản phẩm chủ lực địa phương trong khuôn khổ Hội nghị phát triển Vùng Tây Nguyên có chủ đề "Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững". Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 20/11, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là sự kiện quan trọng "3 trong 1" đối với Vùng Tây Nguyên, gồm 3 nội dung chính là triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Tây Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh Vùng Tây Nguyên. Đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá.

Bên cạnh đó, huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển Vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Về mục tiêu, Chương trình hành động xác định 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm. Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng trên 47%.

Để thực hiện Nghị quyết số 23, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 23 nhiệm vụ cụ thể; 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152 về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày nông sản Vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày nông sản Vùng Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh và gian hàng trưng bày nông sản Vùng Tây Nguyên.

Phát huy giá trị bản sắc dân tộc bản địa Vùng Tây Nguyên trong phát triển du lịch

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc bản địa Vùng Tây Nguyên... cần được khôi phục, bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Cụ thể, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước với những nét đặc trưng riêng về vị trí địa lý, vị trí kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng; về các điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa... Có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; tiếp giáp với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống giao thông khá phát triển, Tây Nguyên hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với cả nước và quốc tế.

Vùng Tây Nguyên có tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái rất đặc sắc, đa dạng và phong phú như hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với giá trị đa dạng sinh học cao; khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; hệ thống thác nước hùng vĩ; khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm; nhiều thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo như miệng núi lửa, các cao nguyên, hồ trên núi...

Cùng với đó, Tây Nguyên có 49 dân tộc anh em, trong đó có nhiều dân tộc bản địa. Mỗi dân tộc đều có những giá trị văn hóa khác nhau như phong tục tập quán, nếp sống, kiến trúc nhà ở, lễ hội truyền thống, văn hóa văn nghệ dân gian.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt báo cáo về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt báo cáo về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Ảnh: VGP

Đáng chú ý, một số nhóm loại hình, sản phẩm du lịch mà chỉ Tây Nguyên mới có như chương trình tìm hiểu giá trị kiến trúc nghệ thuật như Nhà Rông - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, Nhà Dài - chế độ Mẫu hệ, Nhà Mồ, các buôn làng; kho tàng nhạc khí hết sức phong phú và độc đáo với nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau;…

Những giá trị tài nguyên đặc sắc này nếu được khai thác, phát triển sẽ tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc cho Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, vừa góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc bản địa, đồng thời tạo nên thương hiệu và hình ảnh cho du lịch Tây Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng đó chính là những tài nguyên quý giá để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái tự nhiên và sinh thái nông nghiệp nông thôn - một thế mạnh của vùng Tây Nguyên.

Tin liên quan

Đọc tiếp