Thủ tướng: Tập trung hoàn thiện khung pháp lý thị trường chứng khoán và TPDN

CHỨNG KHOÁN TRÁI PHIẾU
08:20 - 20/12/2022
 Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, phấn đấu nâng hạng thị trường chứng khoán theo đúng kế hoạch đề ra.

Tại Hội nghị tổng kết năm năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính ngày 19/12, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp.

Điều chỉnh trái phiếu doanh nghiệp phù hợp

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, hoạt động quản lý cần tôn trọng quy luật thị trường, tuy nhiên, việc này sẽ diễn ra khi bối cảnh trong và ngoài nước thuận lợi, trong trường hợp bối cảnh không bình thường, Nhà nước cần có sự can thiệp.

"Nhà nước phải can thiệp nếu nhận thấy thị trường phát triển không lành mạnh, Nhà nước không để mặc doanh nghiệp, người dân. Phải cùng ngồi lại để tìm hướng giải quyết trên tinh thần hài hòa lợi ích, khó khăn rủi ro thì phải chia sẻ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với các tổ chức phát hành, yêu cầu thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết. Trường hợp gặp khó khăn, doanh nghiệp cần chủ động đàm phán với nhà đầu tư để có các biện pháp xử lý hợp lý như cơ cấu lại về thời gian, lãi suất, điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế.

Thủ tướng lấy ví dụ Nghị định 153 quy định về trái phiếu doanh nghiệp trước đây đưa ra đã quá nới lỏng, dẫn tới nhiều vấn đề cần giải quyết. Sau khi nhận thấy vấn đề, cơ quan quản lý đã ban hành Nghị định 65 nhằm mục đích chấn chỉnh lại, nhưng quy định đưa ra lại siết quá chặt, nên giờ sẽ phải nới ra cho phù hợp. Do đó, cần thiết phải tiến hành sửa đổi.

Thủ tướng cho biết các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp trong việc quản lý các thị trường, như việc ngành ngân hàng liên thông với tài chính, chính sách tiền tệ liên thông với chính sách tài khóa, ngân hàng liên quan đến trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các thị trường, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính cần đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, hiện nhóm doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý khoảng 4 triệu tỷ đồng, nhưng không khai thác được hết. Thủ tướng nhấn mạnh cần nghiên cứu đầu tư, nếu đưa được dòng tiền này ra thị trường thì cũng hỗ trợ cho ngành ngân hàng. Một trong những lĩnh vực được lãnh đạo Chính phủ gợi ý là năng lượng tái tạo, thúc đẩy chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Giảm thêm thuế cho doanh nghiệp

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng đưa ra 5 bài học mà Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành liên quan cần rút ra sau những biến động của năm 2022.

Một là, cần đoàn kết kỷ cương, trong đó, tập trung vào sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, điều hành cũng như đề xuất chính sách phù hợp. Theo Thủ tướng, Bộ Tài chính là cơ quan nắm giữ nguồn lực của đất nước, việc phân phối sử dụng thế nào cho hiệu quả có vai trò rất lớn của Bộ. Do đó, trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính với vai trò nắm bắt tình hình thực tế phải đề xuất, tổ chức thực hiện phù hợp.

Hai là, ngành tài chính cần nắm chắc tình hình, theo dõi sát thực tế để đưa ra phân tích, dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đưa ra các phản ứng chính sách phù hợp.

"Phản ứng chính sách nhanh, nhạy, kịp thời rất quan trọng. Những vấn đề đã dự báo được thì không nói, nhưng những vấn đề đột ngột thì phải nghiên cứu kỹ để có phản ứng nhanh, trúng và đúng", Thủ tướng chỉ đạo.

Ba là, kết hợp hiệu quả chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô. Người đứng đầu Chính phủ lấy ví dụ chính sách tiền tệ có những vấn đề như tỷ giá, lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng, hạn mức tín dụng, khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp… Theo đó, bản thân chính sách tiền tệ cũng cần hài hòa giữa các vấn đề. Tương tự là các chính sách về tiền lương, lao động, thị trường xuất nhập khẩu…

Bốn là, ngành tài chính cần đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm thiểu thủ tục, giấy tờ, con người... Dẫn ví dụ về ngành du lịch chưa thể thu thuế, phí đầy đủ của dịch vụ ăn uống, vui chơi, những khoản thu lớn hơn nhiều so với hoạt động lưu trú. Theo Thủ tướng, chuyển đổi số có thể giúp ngành tài chính quản lý vấn đề này.

Năm là, hoàn thiện thể chế, theo Thủ tướng, thời gian vừa qua có một số vấn đề nổi lên bị xử lý cũng là do thể chế chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, thể chế cũng thay đổi từng ngày, hôm nay nghĩ rất tốt nhưng ngày mai lại thay đổi, chưa nói là năm nay, năm sau hay cách đây 10 năm.

Do đó, các cơ quan quản lý phải nắm chắc tình hình để điều chỉnh chính sách, xây dựng thể chế hợp lý.

Đánh giá về năm 2023, Thủ tướng cho biết hậu quả của Covid-19 vẫn còn, cộng với tác động từ cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, vấn đề địa chính trị diễn biến khó lường, lãi suất, lạm phát tăng… đều ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của Việt Nam.

Trong nước, những khuyết điểm về cách quản lý, thị trường cũng bộc lộ khi tình hình khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính cần bám sát chủ trương của Đảng, Chính phủ, căn cứ phạm vi, nhiệm vụ, chức năng để đưa ra chính sách phù hợp. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 dự báo khó khăn thì cần giảm thêm thuế cho doanh nghiệp.

"Nhiệm vụ đặt ra với ngành tài chính năm sau rất nặng nề, vì vậy phải tập trung nghiên cứu, xây dựng, tổ chức thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. Trong đó, tập trung ưu tiên cho ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, giảm bội chi ngân sách, giảm nợ công, nợ Chính phủ…", Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị.

Đọc tiếp