Thủ tướng yêu cầu triển khai tốt và mở rộng mô hình Khu kinh tế Thái Bình

Khu kinh tế Thái bình
11:52 - 08/05/2022
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình xây dựng Khu kinh tế. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo tỉnh Thái Bình báo cáo tình hình xây dựng Khu kinh tế. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 8/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát, kiểm tra một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có Khu kinh tế Thái Bình tại huyện Thái Thụy.

Thủ tướng Chính phủ cũng nghe báo cáo về phương án quy hoạch giao thông tỉnh Thái Bình tới năm 2030, phương án lấn biển...; khảo sát khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Thủ tướng cho biết, Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển Khu kinh tế Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm "lắng nghe hơi thở cuộc sống" để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc, các kinh nghiệm, bài học rút ra.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc hiện tại, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, khó khăn lớn là tỉnh chưa có kinh nghiệm trong triển khai khu kinh tế, khó khăn về quy định hiện hành và khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi đất chật người đông. "Nếu không có sự vào cuộc của người dân thì trong vòng từ 6 -8 tháng, không thể giải phóng mặt bằng được hơn 500 ha", ông Hải nói thêm.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng thông báo, hiện Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại Khu kinh tế Thái Bình đã có 4 nhà đầu tư lớn của nước ngoài hoạt động và đang có nhiều nhà đầu tư khác quan tâm. Đây là khu kinh tế rất quan trọng với Thái Bình, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Thủ tướng gợi ý, Khu kinh tế Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền nên cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.

Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, huyện Thái Thụy. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác khảo sát, kiểm tra tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động của Khu kinh tế Thái Bình, huyện Thái Thụy. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, muốn phát triển được khu kinh tế này cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng điện nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân, hạ tầng môi trường.

Phân tích kỹ hơn về yêu cầu phát triển hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh dồn lực nguồn vốn đầu tư công để hoàn thiện hạ tầng kết nối khu kinh tế, trong đó trước hết là dự án đường ven biển để kết nối càng sớm càng tốt với sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện của Hải Phòng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý về các phương án triển khai xây dựng khu kinh tế, trong đó đó có mô hình đầu tư công-quản trị tư. Quản trị công là xây dựng thể chế, quy hoạch, chiến lược, xây dựng hạ tầng tới chân hàng rào khu kinh tế…, còn quản trị tư là giao cho nhà đầu tư lớn vận hành, kêu gọi, thúc đẩy các nhà đầu tư khác. Nhiều tỉnh đã làm tốt mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Bình phải xác định người dân phải được hưởng lợi từ Khu kinh tế chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án ở nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước.

Qua đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai tốt việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.

Về các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thuộc thẩm quyền của của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, trong đó công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phải đi trước, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; an sinh phải đi đầu; và hạ tầng phải đồng bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát Khu kinh tế Thái Bình. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát Khu kinh tế Thái Bình. Ảnh: VGP

Liên quan tới khó khăn về các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, Thủ tướng cho biết: "Tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do quy định chưa chặt chẽ nên giao cho tư nhân, thích thì họ bán, không thích thì họ găm lại để đẩy giá lên, gây ảnh hưởng tới các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ, nhưng chưa triệt để, phải giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới".

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, gợi ý của Thủ tướng, Bí thư Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, tỉnh quyết tâm thông tuyến đường ven biển qua tỉnh với kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng 5/2023. Ông cũng khẳng định quyết tâm cao trong phát triển khu kinh tế này.

Khu kinh tế Thái Bình có diện tích trên 30.000 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên 8.000 ha. Đây là lợi thế rất lớn để Thái Bình bứt phá phát triển công nghiệp.

Khu kinh tế được xây dựng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, năng động, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo tồn, phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa. Nơi đây được kỳ vọng trở thành khu vực động lực, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh và vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp