Thúc đẩy đầu tư công: 'Quyết liệt là chưa đủ, cần khuôn khổ pháp lý mạnh dạn hơn'

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
06:56 - 28/04/2022
Thúc đẩy đầu tư công: 'Quyết liệt là chưa đủ, cần khuôn khổ pháp lý mạnh dạn hơn'
0:00 / 0:00
0:00
Sau một quý triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, việc giải ngân đầu tư công vẫn đang chậm chạp và các chuyên gia cho rằng cần phải có một khuôn khổ pháp lý mạnh dạn hơn để cải thiện, nhằm mang lại hiệu ứng kích thích tăng trưởng kinh tế.

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, với tổng quy mô lên tới gần 350.000 tỷ đồng, trong đó đóng vai trò chủ đạo là gói đầu tư công trị giá hơn 113.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau hơn một quý triển khai, việc giải ngân vốn từ đầu tư công đến nay vẫn chưa đáp ứng được tiến độ và kỳ vọng. Đến hết quý I/2022, mới có 4 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%, còn lại đều có tỷ lệ đạt dưới mức bình quân chung của cả nước hoặc thậm chí chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Giải ngân đầu tư công vẫn là một thách thức

Chia sẻ tại tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới” ngày 27/4 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng trong Chương trình phục hồi kinh tế, được kỳ vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng tốt, kích thích tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công từ Chương trình vẫn chưa được triển khai do một số vấn đề về thủ tục phê duyệt dự án và bố trí nguồn lực. Trong đó, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã chỉ ra một số vấn đề cố hữu trong lĩnh vực đầu tư công.

Trong khi đó, từ góc độ chuyên gia tài chính công, TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính) nhận định: "Năm nay giải ngân đầu tư công vẫn là một thách thức".

"Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội hiện thực thi chậm, gói hỗ trợ đã ban hành từ tháng 1 nhưng thực hiện đến nay chưa đáng kể, đặc biệt giải ngân đầu tư công gần như chưa động đến. Chẳng hạn, các gói đầu tư công có thể đến tháng 3, tháng 4 năm nay các bộ ngành, địa phương, các dự án mới lập kế hoạch chi tiết, rồi tháng 4 mới phân bổ thì giải ngân sao mà kịp được", TS Vũ Sỹ Cường đặt câu hỏi.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, ông Cường cho rằng việc giải ngân chậm xuất phát từ nhiều lý do, có vấn đề liên quan đến thể chế, liên quan đến thực hiện hoặc liên quan đến ngoại cảnh.

Cụ thể, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ hoạt động đầu tư công như sắt, thép, xi măng đều tăng rất mạnh, do đó dự toán lập ban đầu cho đầu tư công có thể phải điều chỉnh. Tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh lại rất phức tạp. Ông Cường lấy ví dụ, những nhà thầu đã ký hợp đồng phải xem xét đề xuất để điều chỉnh giá. Còn những nhà thầu chưa ký hợp đồng thì phải tính toán lại, điều chỉnh giá cả để tham gia các dự án đầu tư công. Điều này sẽ làm chậm trễ nhất định.

Ngoài ra, lý do khiến việc đầu tư công mặc dù có sự chỉ đạo sát sao nhưng vẫn có thách thức còn liên quan đến vấn đề lao động. Hai năm COVID-19 diễn ra, nhiều lao động về quê, nhiều lao động chuyển ngành nghề gây thiếu hụt nhân sự tại các dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng.

Bên cạnh đó, theo TS Vũ Sỹ Cường, lý do muôn thuở vẫn là năng lực quản lý của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý, nhà thầu thi công tất cả các cấp. "Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, năng lực quản lý và đầu tư xây dựng của cán bộ các cấp đều còn hạn chế, trong khi rất nhiều dự án đầu tư công là những vấn đề mới, phức tạp cả về mặt kỹ thuật, kinh tế", ông Cường nói thêm.

Cần khuôn khổ pháp lý mạnh dạn hơn

Về ngắn hạn, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, Chính phủ đang đi đúng hướng và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc chỉ đạo giải ngân các dự án cao tốc, từ giải phóng mặt bằng đến cung cấp nguyên vật liệu. Tuy nhiên, theo ông Cường đây là một bài toán cần nhiều giải pháp hơn để giải quyết.

Tương tự quan điểm này, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại một hội thảo khoa học mới đây cũng từng đề xuất, trong giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, thay vì chờ đợi phê duyệt danh mục tất cả các dự án, thì phê duyệt từng dự án, dự án nào xong trước phê duyệt trước thay vì đợi tất cả rồi duyệt một lượt.

Còn trong khuôn khổ tọa đàm ngày 27/4, TS. Vũ Sỹ Cường đưa ra gợi ý rằng, tương tự chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương PCI, Chính phủ cũng nên xây dựng chỉ số đánh giá năng lực, khả năng giải ngân đầu tư công, để đo lường khả năng thực thi các dự án đầu tư công. Địa phương nào phân bổ chậm dự toán thì năm sau bị cắt, nhà thầu nào thi công không đảm bảo chất lượng, tiến độ thì bị loại bỏ.

Theo đó, việc xây dựng bộ chỉ số như vậy sẽ khiến các địa phương sẽ cạnh tranh với nhau, bộ ngành địa phương nào giải ngân chậm thì chuyển sang bộ ngành, địa phương khác. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo đơn vị mới có thể thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ông Cường cũng khuyến nghị rằng, nếu chỉ "hô hào chung chung" thì rất khó bởi giải ngân đầu tư công chậm "đã trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế".

Tin liên quan

Đọc tiếp