Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng ấu trùng ruồi

Rác Thải Malaysia -Singapore
08:18 - 18/04/2022
Malaysia và Singapore tìm tới ấu trùng ruồi lính đen như một phương pháp xử lý rác thải thực phẩm.
Malaysia và Singapore tìm tới ấu trùng ruồi lính đen như một phương pháp xử lý rác thải thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tìm tới một phương pháp bền vững để xử lý rác thải hữu cơ như chất thải thực phẩm, Bộ Môi trường và Nước Malaysia và một công ty công nghệ sinh học tại Singapore đang tìm đến giải pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen, qua đó thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Theo Bộ trưởng Môi trường và Nước Malaysia Tuan Ibrahim Tuan Man, ấu trùng của loài ruồi này là đối tượng tốt nhất có thể được sử dụng để xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải thực phẩm. Bên cạnh đó, nó còn có thể giúp giảm thiểu việc đổ chất thải thực phẩm vào các bãi rác chôn lấp và gây ô nhiễm.

Hãng tin CNA cho biết nguyên nhân loài ruồi này được sử dụng là do chúng là những sinh vật phân hủy tự nhiên và dành phần lớn thời gian của cuộc đời để ăn. Ruồi lính đen chỉ ăn khi còn ở dạng ấu trùng và có thể tiêu thụ lượng thức ăn gấp hai lần trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Do đó, những con ruồi này không chỉ đơn giản là loại bỏ chất thải thực phẩm mà bản thân chúng còn có thể được biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn, như thức ăn chăn nuôi và phân bón.

Phát biểu tại lễ khởi động dự án tại khu chợ đầu mối Tanah Merah tại bang Kelantan, Malaysia, Bộ trưởng cũng khẳng định mục đích sử dụng ruồi lính đen là để xử lý nhiều loại rác hữu cơ hàng ngày cũng như để bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm. Cụ thể, cở sở quản lý loại ruồi này sẽ xử lý các phế phẩm thu gom từ chợ đầu mối Manal và chợ tổng hợp Bandar Tanah Merah. Ấu trùng cũng sẽ được giữ tại một ngôi nhà đặc biệt nằm phía sau cả hai khu chợ.

Ông Tuan Ibrahim chia sẻ quá trình xử lý này được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể lượng chất thải đổ ra các bãi chôn lấp tại Malaysia - tương đương với khả năng giảm 3 tấn carbon dioxide mỗi ngày. Thêm vào đó, cơ sở cũng có thể sử dụng ruồi để sản xuất phân trộn thay thế phân bón hóa học cho chính quyền địa phương sử dụng.

Nếu thành công, chương trình sẽ được mở rộng trên khắp Malaysia để đáp ứng được mục tiêu thiết lập 100 cơ sở xanh mà Bộ Môi trường và Nước đã đề ra. Dự án này hiện đang có sự tham gia tích cực của các cơ quan như Hội đồng Quận Tanah Merah cũng như chính quyền bang thông qua tập đoàn Kelantan Utilities Mubaarakan Holdings, Đại học Kelantan Malaysia và Trung tâm Phát triển Phụ nữ Kelantan.

Mặt khác, nhằm khuyến khích các thành phố ứng dụng các phương pháp xanh hóa, chính phủ đã phân bổ khoản hỗ trợ 8,2 triệu USD cho các chính quyền địa phương theo Chương trình Trao quyền chiến lược cho Con người và Kinh tế. Cho đến nay, đã có tổng cộng 141 địa phương sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ để thực hiện các sáng kiến thành phố carbon thấp trong các lĩnh vực năng lượng, nước, chất thải, giao thông và cây xanh trong các khu vực hoặc cơ sở công cộng.

Ấu trùng ruồi lính đen ngoài việc xử lý rác hữu cơ còn có thể trở thành thức ăn chăn nuôi và phân bón. Ảnh: jokevanderleij8/ Pixabay

Ấu trùng ruồi lính đen ngoài việc xử lý rác hữu cơ còn có thể trở thành thức ăn chăn nuôi và phân bón. Ảnh: jokevanderleij8/ Pixabay

Ở một diễn biến khác, Singapore cũng đang hướng tới việc sử dụng ruồi lính đen để giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm và lãng phí lương thực. Theo Bộ Bền vững và Môi trường nước này, thực phẩm là một trong những dòng chất thải lớn nhất ở Singapore với tốc độ gia tăng khoảng 20% trong 10 năm qua. Riêng trong năm 2019, Singapore tạo ra 744 triệu kg rác thực phẩm - tương đương với 51.000 chiếc xe buýt hai tầng. Trong số đó, chỉ có 18% được tái chế, phần còn lại được đốt.

Do đó, ông Nathaniel Phua - người sáng lập và Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ sinh học sử dụng côn trùng để tiêu thụ và tái sử dụng chất thải thực phẩm đã đi tới sáng kiến xử lý chất thải thực phẩm bằng côn trùng.

Quản lý chất thải truyền thống chỉ có thể xử lý các loại chất thải thực phẩm cụ thể, do đó ông Phua bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó có thể phân hủy tất cả các loại chất thải thực phẩm và cuối cùng tìm tới ruồi lính đen. Ông Phua đã thành lập Ento Industries vào năm ngoái và tới tháng 11 đã được quỹ đầu tư của ngân hàng DBS trao tặng khoản tài trợ doanh nghiệp xã hội.

Với số tiền thu được từ khoản tài trợ, Ento Industries có kế hoạch chuyển sang một cơ sở rộng 5.000 mét vuông với công suất xử lý từ 10 đến 20 tấn chất thải mỗi tháng. Theo DBS, nếu Ento có thể mở rộng quy mô năng lực hiện có của mình thì khả năng tăng trưởng là rất lớn.

Một chương trình thí điểm thương mại hiện đang được lên kế hoạch, với mục tiêu tái chế 1 tấn chất thải mỗi ngày. Ông Phua nhận định tầm nhìn của công ty chính là hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm trong việc giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm. Từ đó, ông muốn thể hiện rằng nền kinh tế tuần hoàn trong ngành là điều hoàn toàn có thể.

Một khi chất thải sinh hoạt được xử lý bằng ruồi lính đen, công ty có thể biến đổi số chất thải đó trở lại thành nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hơn. Kết quả là số chất thải có thể trở lại ngành công nghiệp địa phương và hỗ trợ sản xuất thực phẩm ở Singapore.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.