Thương mại điện tử là trụ cột để doanh nghiệp chuyển đổi số hoàn toàn

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
18:11 - 26/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng ngày 26/5, tại hội thảo “Xu hướng và giải pháp chuyển đổi số trong ngành thương mại”, các chuyên gia cho biết, để tiến tới chuyển đổi số hoàn toàn thì vẫn còn nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á năm 2022. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 đã trở thành cú hích để chuyển đổi số tại Việt Nam phát triển nhanh hơn, thúc đẩy các doanh nghiệp tiến tới số hóa.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, chuyển đổi số không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng hiệu quả các hoạt động thương mại, mà còn giúp giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh.

Bên cạnh đó, thông qua chuyển đổi số doanh nghiệp có thể thu thập thông tin thị trường, xác định nhu cầu của khách hàng ở mỗi thời điểm khác nhau, xác định tệp khách hàng quan trọng và đưa ra chiến lược kinh doanh thích hợp.

Thương mại điện tử là trụ cột để doanh nghiệp tiến tới số hóa hoàn toàn

Theo các chuyên gia, thương mại điện tử là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Việc tiếp cận và làm quen với thương mại điện tử là vấn đề cấp thiết, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể tiến tới chuyển đổi số hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn vừa công bố, Việt Nam hiện đang là thị trường có quy mô lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia).

Hiện nay, theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), đã có 58/63 tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của địa phương cho giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời bố trí ngân sách để triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.

Theo đánh giá từ phía ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, dù đã bước ra khỏi giai đoạn giãn cách do dịch bệnh, nhưng người tiêu dùng hiện vẫn đang duy trì thói quen mua hàng online.

So sánh với thương mại hoạt động truyền thống, bà Giang đánh giá cao về thương mại điện tử. Trong đó, nổi bật là khả năng tiếp cận khách hàng tuyệt vời khi hoạt động 24/7, ứng dụng được AI, BiG Data… Ngoài ra, khi khách hàng giao dịch, hệ thống sẽ tự động gợi ý các mặt hàng khách hàng đang quan tâm, góp phần tăng khả năng nhận diện của doanh nghiệp.

Tập trung nguồn lực khi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp sử dụng kho hàng hóa ở các điểm khác nhau, tối ưu hóa thời gian và chi phí giao hàng. Từ đó, có thể không phải bỏ chi phí sản xuất hàng mà qua hợp tác bán hàng.

Tiếp cận được nhiều tệp khách hàng hơn khi việc lựa chọn thanh toán đa dạng như tiền mặt, chuyển khoản, ví điện tử, quét mã QR… Theo khảo sát của Sapo với trên 15.000 nhà bán lẻ tại Việt Nam, có tới 36,5% người tiêu dùng sử dụng phương thức chuyển khoản để thanh toán; 14,8% sử dụng ví điện tử, 9,9% quét mã QR… Chỉ có 29,8% là sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Nhân lực thiếu khiến doanh nghiệp loay hoay chuyển đổi số

Cùng với việc phát triển của nền kinh tế Internet của Việt Nam, các doanh nghiệp mới cũng “đua nhau” ra đời để đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế Internet hiện tại. Nhưng song song với sự ra đời đó, chuyển đổi số của doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.

Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư. Theo bà Giang, để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần có nguồn vốn lớn để đầu tư vào hệ thống thông tin. Tuy nhiên, cũng cần tùy theo quy mô, mức độ của các phương án của doanh nghiệp để có thể bỏ ra nguồn vốn phù hợp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thuê dịch vụ, từ 5 – 7 triệu để có thể phát triển một trang website bán hàng, còn nguồn vốn cho dịch vụ thì doanh nghiệp sử dụng đến đâu thì trả tiền đến đó.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Thứ hai là vấn đề về nhân lực. Thực tế, việc chuyển đổi số tại Việt Nam chỉ thực sự phát triển khi đại dịch Covid – 19 bùng nổ. Nhiều doanh nghiệp “cũ” buộc phải chuyển đổi để thích ứng với tình hình mới. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng sở hữu đội ngũ nhân lực về công nghệ, cho nên đây là khó khăn lớn khi quyết định chuyển đổi.

Hiện nay nhiều trường đại học đã nắm bắt xu hướng, tạo ra ngành học liên quan đến chuyển đổi số nhưng như vậy là quá chậm. “Với thời điểm đào tạo như vậy thì còn rất lâu mới có nguồn nhân lực chính quy”, ông Minh nhận định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang thiếu các nền tảng công nghệ. Việt Nam nằm trong nhóm các nước lạc hậu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trình độ khoa học còn thấp cho nên chuyển đổi số vẫn mang tính chất bị động.

Cuối cùng là thiếu tư duy và thách thức văn hóa. Đối với doanh nghiệp đã có hoạt động truyền thống trước đại dịch thì văn hóa của họ sẽ ảnh hưởng đến chuyển đổi số. Do thay đổi về mô hình kinh doanh, cách thức làm việc. Nếu không được đào tạo, tái cấu trúc lại thì chuyển đổi số sẽ gặp khó khăn.

Theo ông Minh, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của nhiều doanh nghiệp vẫn còn thiếu nhận thức, áp dụng chuyển đổi số tương đối lý thuyết thay vì đưa ra giải quyết về vấn đề cụ thể cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Hoàng Chủ tịch HĐQT CTCP Công nghệ Getfly Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp đang gặp phải thách thức về quy trình cũ. Điều này do chính nội bộ của doanh nghiệp. Nếu họ có nhận thức mới thì họ sẵn sàng làm mạnh lên cho doanh nghiệp mình”.

Vấn đề gian lận hàng hóa khi mua bán online cũng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào doanh nghiệp bán hàng tại các website thương mại điện tử. Trong khi đó, các chế tài và hành lang phát, biện pháp quản lý nhà nước cũng gặp khó khăn do sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử.

Giải pháp đối với doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo, ông Minh cho rằng doanh nghiệp nên chuyển từ kinh doanh đơn sang kinh doanh chéo. Tức là chuyển từ quá trình độc lập của marketing, bán hàng… sang tạo ra mối liên kết với nhau. Doanh nghiệp cũng nên triển khai kinh doanh thông minh để có cái nhìn trực quan về thông tin thị trường.

Mô hình kinh doanh thông minh trong chuyển đôi số. Ảnh: trích xuất từ hội thảo.

Mô hình kinh doanh thông minh trong chuyển đôi số. Ảnh: trích xuất từ hội thảo.

Doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc lại doanh nghiệp. Cụ thể, cải thiện từ bên ngoài, tạo ra sức hút đối khách hàng. Với nội tại, doanh nghiệp cần có chiến lược cụ thể để tăng năng suất, tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, dù là hoạt động thương mại điện tử nhưng bản chất của mô hình kinh doanh này vẫn chưa phải số hóa hoàn toàn. Các thao tác truyền thống như số hóa bằng tay gây mất thời gian, tạo lục cản, hạn chế việc số hóa hoàn toàn.

Ngoài ra, hàng hóa kinh doanh cũng cần đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc. Điều này sẽ tạo niềm tin cho các khách hàng, đồng thời giảm thiểu hàng giả, hàng nhái trên thị trường điện tử. Còn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nên tận dụng mạng xã hội, chia sẻ các video ngắn để tăng nhận diện thương hiệu của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.